Khảo sát, kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP Bình Thuận - Tiền Giang

Kinh tế - Ngày đăng : 14:13, 22/05/2025

BTO-Chiều 21/5, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & Môi trường tỉnh Tiền Giang nhằm khảo sát, tìm kiếm cơ hội kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP giữa 2 địa phương.

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường tỉnh, bà Trần Thị Bé Bảy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường Tiền Giang cùng đại diện các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp, hợp tác xã 2 tỉnh.

Trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng.

Tại buổi làm việc, 2 bên đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Bà Ngô Minh Uyên Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng nông sản và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tỉnh hiện có nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực như thanh long với diện tích hơn 25.800 ha, sản lượng khoảng 560.000 tấn/năm, tôm giống 23 tỷ post, sản lượng khai thác biển khoảng 239.600 tấn, thủy sản chế biến gần 96.000 tấn/năm...

Ngoài ra, Bình Thuận còn có các sản phẩm chế biến từ thanh long đa dạng như: sấy khô, sấy dẻo, bánh phồng, dầu hạt, nước ép, rượu vang… cùng các loại cây trồng khác như lúa, điều, dưa lưới, nho, táo, nhãn xuồng, sầu riêng...

Lãnh đạo Chi cục Chất lượng nông sản, Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ thông tin sản phẩm nông lâm thủy sản địa phương.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 7 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 173 sản phẩm 3 sao, đến từ 117 chủ thể gồm hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, tỉnh chủ động triển khai các hội nghị kết nối cung cầu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tham gia các chương trình kết nối cung cầu giữa các tỉnh thành trong cả nước..

Về phía tỉnh Tiền Giang, tỉnh chia sẻ thế mạnh về phát triển các vùng cây ăn trái tập trung phục vụ xuất khẩu như: bưởi da xanh, xoài Cát Hòa Lộc, chanh dây cùng các sản phẩm đặc trưng như gạo, lạp xưởng, tương ớt, sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo…

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã Tiền Giang mong muốn mở rộng hợp tác, xúc tiến tiêu thụ nông sản tại thị trường Bình Thuận, đồng thời tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương lâu dài, bền vững.

Hai bên cũng trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, khẳng định sẽ tăng cường hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP đặc trưng giữa các đơn vị hợp tác xã, doanh nghiệp của 2 địa phương trong thời gian tới.

T.Duyên