Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang
Trong nước - Ngày đăng : 13:07, 23/05/2025
Hướng đến kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, sáng 23/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Cà Mau, Báo Cà Mau, Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo với chủ đề “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”.

Các đại biểu dự hội thảo dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ nhà báo vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo liệt sĩ, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tô thắm cho nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng.
Đến dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đức Hiển, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ; Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cơ quan báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ qua các thời kỳ…

Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển (bìa phải) tặng hoa chúc mừng Hội thảo “Báo chí Cà Mau – Những chặng đường lịch sử vẻ vang”.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ, Hồ Trung Việt khẳng định Hội thảo “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đây là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, nhằm giáo dục truyền thống, sứ mệnh lịch sử của báo chí cách mạng tỉnh nhà qua các thời kỳ và rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới; nâng cao nhận thức vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội của báo chí cách mạng; thảo luận, đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao tính cách mạng, chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ làm báo hiện nay.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nêu những nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước đối với sự phát triển của báo chí địa phương trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh đến việc làm thay đổi nhận thức trong cung cấp thông tin cho báo chí.
Khẳng định vai trò xung kích

Đồng chí Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ, yêu cầu nâng cao tính cách mạng, chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ làm báo hiện nay.
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, khẳng định, Cà Mau là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi thấm đẫm truyền thống cách mạng kiên cường, đã ghi dấu những trang sử sáng chói trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trên mảnh đất giàu bản sắc ấy, báo chí cách mạng đã sớm nảy mầm, phát triển và luôn đồng hành cùng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển và hội nhập.

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ, chia sẻ các nội dung liên quan đến xây dựng đội ngũ nhà báo vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí hiện đại.
Ông Nguyễn Quốc Tiến cho rằng, trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến và đến thời kỳ đổi mới, báo chí Cà Mau không ngừng lớn mạnh, luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Theo đó, hội thảo lần này không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống, mà còn là cơ hội quý báu để khơi dậy, phát huy sức mạnh nội sinh của báo chí trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Sự kiện đặc biệt này là dấu mốc quan trọng, khẳng định một thế kỷ kiên cường, xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Nhà báo Ngô Minh Toàn, Tổng biên tập Báo Cà Mau, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho rằng, báo chí cách mạng Cà Mau đã làm tốt vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh đời sống chiến đấu, lao động, học tập của quân và dân địa phương. Không chỉ thông tin, cổ vũ tinh thần kháng chiến, mà còn góp phần định hướng dư luận xã hội, nâng cao nhận thức chính trị và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Trong thời bình, báo chí tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Nhà báo Ngô Minh Toàn phát biểu đề dẫn Hội thảo, nêu bật vai trò và vị trí của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của địa phương và đất nước.
“Ôn lại quá trình hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam qua 100 năm, có thể khẳng định rằng bằng sự tự tin, tự hào và đầy nhiệt huyết, báo chí cách mạng Cà Mau đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tỉnh nhà, trải qua những giai đoạn lịch sử đầy ý nghĩa, góp phần quan trọng, xứng đáng và đầy vẻ vang vào công cuộc đấu tranh, phát triển của nền báo chí cánh mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam”, Nhà báo Ngô Minh Toàn khẳng định.
Những chặng đường vẻ vang
Tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang của báo chí Cà Mau, Nhà báo Ngô Minh Toàn sơ lược từng giai đoạn hình thành và phát triển. Ở giai đoạn tiền khởi nghĩa, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hoạt động báo chí phong phú và mạnh mẽ, với những dấu ấn không thể phai mờ, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng Cà Mau trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo.
Trong giai đoạn kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, hoạt động văn hoá, báo chí diễn ra sôi nổi với sự kết hợp giữa các cơ quan báo chí cấp trên và địa phương. Điển hình khi năm 1947, Tỉnh uỷ cho ra đời tờ báo Chiến, tiếng nói của Đảng bộ tỉnh, kịp thời truyền tải thông tin, phản ánh phong trào thi đua và cổ vũ tinh thần chiến đấu của cán bộ, bộ đội và Nhân dân.

Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, nguyên Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, khẳng định lịch sử báo chí là một bộ phận không thể tách rời của lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, báo chí cách mạng Cà Mau chuyển sang hoạt động bí mật, thích ứng với tình hình mới. Sau cuộc Đồng khởi năm 1960, Tiểu ban Báo chí - Văn nghệ được thành lập, xuất bản tờ báo Chiến (sau đổi thành Cà Mau Giải Phóng) và Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng. Dấu ấn nổi bật của báo chí cách mạng Cà Mau trong giai đoạn này đã thể hiện vai trò xung kích mạnh mẽ, góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh và cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, báo chí Cà Mau bước vào một giai đoạn mới, tập trung cao độ cho nhiệm vụ ổn định tình hình chính trị - xã hội và công tác cải tạo, xây dựng kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự nghiệp báo chí Cà Mau đã có những bước phát triển đột phá, thể hiện sự lớn mạnh của các loại hình thông tin đại chúng.
Phát triển thích ứng với thời đại
Với đà phát triển hiện nay, báo chí Cà Mau đang tiến tới mô hình báo chí hội tụ, nơi các loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử cùng tồn tại, hỗ trợ nhau trên một nền tảng tích hợp. Việc đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa năng, am hiểu công nghệ, có tư duy truyền thông hiện đại đang được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đổi mới công nghệ, báo chí Cà Mau cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà báo, phóng viên. Lực lượng những người làm báo được đào tạo bài bản, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt là các kỹ năng làm báo hiện đại: quay phim, dựng video, đồ hoạ thông tin, sản xuất podcast…
Trong thời đại công nghệ số, báo chí Cà Mau đã và đang thể hiện tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, vững vàng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội. Với tinh thần “Báo chí cách mạng - Đổi mới - Đồng hành - Phát triển”, báo chí tỉnh nhà xứng đáng là người bạn đồng hành tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên hành trình xây dựng Cà Mau ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Tự hào truyền thống, thêm vững vàng và phát triển
Tham luận tại hội thảo, các cựu nhà báo, nguyên lãnh đạo báo chí Cà Mau qua các thời kỳ nêu bật vai trò, tính chiến đấu của báo chí địa phương qua từng giai đoạn lịch sử cách mạng; những lý luận báo chí thực tiễn; từ truyền thống đến tư duy làm báo hiện đại…
Với “Báo chí chách mạng Cà Mau - tự tin, tự hào trên mặt trận tư tưởng”, Nhà báo Phạm Văn Tri (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau) đã khắc hoạ sự hình thành, lịch sử và thành tựu của báo chí Cà Mau, trong đó có những điểm sáng cá nhân rạng danh, như các nhà báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân: Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Mai, Trần Ngọc Hy. Nhà báo Phạm Văn Tri đúc kết: Từ buổi bình minh cách mạng và trải qua các chặng đường đấu tranh, báo chí cách mạng tỉnh Cà Mau luôn hiện diện sát cánh cùng Đảng bộ và Nhân dân, trở thành lực lượng xung kích chiến đấu quên mình, vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, của cách mạng. Trong cuộc chiến đấu lâu dài ấy, báo chí dành trọn niềm tin, lòng nhiệt huyết, cống hiến mọi sinh lực trí tuệ và cống hiến cả xương máu cho sự nghiệp cách mạng.
Với Nhà báo Nguyễn Bé, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Cà Mau, báo chí Cà Mau luôn hiện thực hoá phương châm "xây" đi đôi với "chống”.

Nhà báo Nguyễn Bé, nguyên Tổng biên tập Báo Cá Mau, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tham luận về tính chiến đấu của báo chí trong chống tiêu cực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
“Phải nói rằng, khi lịch sử đi qua, chúng ta nhìn lại quá khứ, đối chiếu cuộc sống hôm nay, trong lòng chúng ta rực sáng niềm tin, nhiệm vụ báo chí phải giữ vững "xây" gắn liền với "chống". Đó có lẽ là quy luật trong chức năng nhiệm vụ của báo chí mọi thời kỳ”, Nhà báo Nguyễn Bé đúc kết.
Thực tế với thời cuộc, Nhà báo Ngô Minh Toàn cho rằng, việc đặt câu hỏi đúng, nhận diện được chúng ta đang ở đâu, thấu tỏ cả thuận lợi và khó khăn, từ đó đề ra những công việc, giải pháp để tồn tại và phát triển trong ngắn hạn và lâu dài là điều Báo Cà Mau luôn luôn dành sự quan tâm và kỳ vọng, kiên định với những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, từ đó định hình, xây dựng được “thương hiệu”, uy tín và sự tin yêu của công chúng.
Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp ý kiến, bổ sung thêm nhiều tư liệu quý, làm rõ hơn những chặng đường phát triển vẻ vang của báo chí cách mạng tỉnh Cà Mau.

Nhà báo Hà Phương Dũng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, khẳng định những tham luận trình bày tại hội trường và gửi đến hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý để báo chí Cà Mau tiếp tục hoàn thiện nội dung thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền, đúng với tinh thần phục vụ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà trong tình hình mới.

Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, phát biểu tiếp thu các ý kiến và bế mạc hội thảo.
Lịch sử Báo chí cách mạng Cà Mau là hành trình đấu tranh bằng ngòi bút, bản lĩnh của những Nhà báo. Đó là hành trình không ngừng đổi mới để thích ứng, phát triển, hoàn thành sứ mệnh chính trị và trách nhiệm xã hội. Ông Nguyễn Thanh Dũng khẳng định các cơ quan báo chí địa phương tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, giữ vững tôn chỉ - mục đích, xây dựng đội ngũ làm báo “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập thông tin toàn cầu.
“Chúng tôi xác định rõ rằng, hơn lúc nào hết, báo chí tỉnh nhà phải chủ động đổi mới nội dung, công nghệ, phương thức tiếp cận công chúng; đồng thời kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững tính định hướng và nhân văn, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau chia sẻ.