Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Cần làm rõ ranh giới “tự chủ mua sắm” và “bắt buộc đấu thầu”

Chính trị - Ngày đăng : 15:04, 23/05/2025

BTO-Chiều 23/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thống nhất với sự cần thiết ban hành luật như Tờ trình của Chính phủ đã nêu, đồng thời góp ý cụ thể đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu (Điều 1 dự thảo).

img_5101.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thảo luận tại hội trường chiều 23/5.

Cụ thể, về phạm vi áp dụng và hình thức lựa chọn nhà thầu (Điều 2, Điều 3 và Điều 23): Dự thảo Luật bãi bỏ khoản 2 Điều 2, đồng thời mở rộng đáng kể khoản 7 Điều 3, theo hướng giao quyền tự quyết định mua sắm cho các tổ chức, doanh nghiệp, quy định này đại biểu thấy vẫn chưa thật sự thống nhất với các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu quy định tại Điều 23, có thể dẫn đến khó khăn khi triển khai thực tế; cụ thể: nếu tổ chức được tự quyết định mua sắm thì liệu có cần áp dụng chỉ định thầu hay không? Vì ở Điều 3 mở rộng nhưng lại quy định ràng buộc ở Điều 23. Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định rõ ràng hơn giới hạn giữa “quyền tự chủ mua sắm” và “trường hợp bắt buộc đấu thầu”, đặc biệt là các tiêu chí định lượng rõ ràng để xác định gói thầu nào bắt buộc áp dụng Luật này.

Về các hình thức lựa chọn nhà thầu (Điều 23, Điều 29 và một số điều khoản khác), đại biểu nhận thấy dự thảo lần này bổ sung thêm các hình thức như “chỉ định thầu” (Điều 23) hay “lựa chọn trong trường hợp đặc biệt” (Điều 29) trong khi vẫn giữ lại nhiều hình thức đấu thầu truyền thống như đấu thầu rộng rãi, hạn chế, chào hàng cạnh tranh. Điều này khiến hệ thống lựa chọn nhà thầu trở nên quá phức tạp và dễ bị lạm dụng. Việc xác định ranh giới như “thế nào là đặc biệt”, như “thế nào là chỉ định hợp lý” chưa rõ ràng, có thể tạo ra khoảng trống pháp lý dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa chỉ định thầu.

img_5102.jpeg
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 23/5.

Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, rà soát kỹ lại toàn bộ hệ thống các hình thức lựa chọn nhà thầu, giảm bớt các hình thức giao thoa không cần thiết, đồng thời quy định tiêu chí định lượng, định tính cụ thể, minh bạch.

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 Điều 61, đại biểu thấy rằng, việc bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường, đột biến theo hướng chủ đầu tư được quyền loại bỏ nhà thầu hoặc yêu cầu giải trình, làm rõ tính khả thi, hợp lý của giá dự thầu nhằm ngăn chặn tình rủi ro cao về chất lượng và tiến độ xây dựng công trình, làm tăng chi phí thực hiện gói thầu trong trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu để lựa chọn nhà thầu khác là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu quy định trên chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề năng lực thi công kém; đồng thời, có thể tạo ra sự giảm cạnh tranh giá, tạo cơ chế giữ giá cao; bên cạnh đó, quy định trên cho phép loại bỏ nhà thầu có giá chào “thấp bất thường” nhưng lại không quy định thế nào là "thấp bất thường", phải chờ Chính phủ hướng dẫn. Việc không quy định cụ thể như vậy làm tăng rủi ro tùy tiện trong đánh giá, có thể bị lợi dụng để loại bỏ nhà thầu không phù hợp ý chí chủ quan của chủ đầu tư.

Do đó, theo đại biểu, để giải quyết triệt để vấn đề năng lực thi công kém như thực tiễn diễn ra nhiều trong thời gian qua, cần sửa đổi bổ sung quy định theo hướng thay giá sàn bằng quy định kiểm soát đầu vào, giám sát thi công, yêu cầu thời gian bảo hành dài hơn; đồng thời, tăng cường chế tài xử lý đối với nhà thầu vi phạm và chế độ hậu kiểm chặt chẽ.

T.HÀ