Liên kết điểm đến và các sản phẩm dịch vụ phát triển du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 08:45, 25/05/2025

Tổ chức Chương trình Famtrip khảo sát du lịch Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông
Theo đó, 3 tỉnh sẽ thực hiện Tour văn hóa, ẩm thực Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông. Đồng thời tăng cường hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên để xây dựng các tour liên tuyến hấp dẫn. Tổ chức khảo sát, xây dựng nhiều sản phẩm, các tour liên tuyến du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn. Giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch 3 địa phương đến các công ty lữ hành và các cơ quan thông tấn báo chí. UBND tỉnh cho biết đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp vớ sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, Đắk Nông, Sở Xây dựng, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch tổ chức thực hiện. Thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 2/6/2025 đến ngày 6/6/2025. Đây là sự kiện nhằm huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch để triển khai đạt hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch năm 2025. Thúc đẩy tăng trưởng về lượng khách và doanh thu du lịch, phấn đấu đạt mục tiêu đón trên 11 triệu lượt khách đến tỉnh trong năm 2025, gắn với phát triển thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa, đặc biệt là hàng hóa sản xuất tại địa phương. Gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch thông qua các chương trình du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người và danh lam thắng cảnh du lịch Bình Thuận hấp dẫn, thân thiện thu hút khách du lịch.

Trong chuỗi hoạt động này, sẽ xây dựng chương trình phát triển sản phẩm du lịch của địa phương trên cơ sở tiềm năng thế mạnh du lịch của địa phương. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm. Phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các khu, điểm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn. Xây dựng sản phẩm dựa trên tiềm năng thế mạnh thành một sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch, mỗi địa phương sẽ công bố ít nhất một sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút khách. Đồng thời triển khai hiệu quả kinh tế đêm theo đề án đã được duyệt, nhất là tại khu vực khu vực Mũi Né, Tiến Thành góp phần kích cầu tiêu dùng, mua sắm, du lịch. Phát triển mạnh các loại hình du lịch mới có tiềm năng như du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe (Wellness), kết hợp du lịch với gặp gỡ, khen thưởng, hội thảo, sự kiện (MICE), du lịch thể thao biển cao cấp, du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch văn hóa - lễ hội. Xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái du lịch canh nông kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên lĩnh vực lâm nghiệp tại tỉnh Bình Thuận. Xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Xây dựng điểm đến an toàn và chất lượng
Hiện nay, các địa phương như Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông đang hướng tới phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa bản địa và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Theo đó, các địa phương sẽ nghiên cứu, xúc tiến vào các thị trường quốc tế mới, tiềm năng bên cạnh các thị trường truyền thống. Khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng công nghệ số, tăng cường tương tác với du khách, kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo. Xây dựng hệ sinh thái du lịch, mô hình du lịch mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đồng thời nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu các dòng sản phẩm hướng đến thu hút, phục vụ đa dạng các dòng du khách, chi tiêu cao, ở dài ngày. Khuyến khích đầu tư các khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề quy mô lớn.Tăng cường công tác quản lý điểm đến, đảm bảo môi trường, an ninh, trật tự, an toàn và quyền lợi của khách du lịch. Tăng cường đầu tư, đảm bảo tốt môi trường du lịch, khai thác hiệu quả các điểm đến trên địa bàn. Tổ chức ra quân dọn dẹp cảnh quan, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, khu vực công cộng. bên cạnh đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu du lịch. Xử lý, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ở các khu, điểm du lịch. Giải quyết, xử lý có hiệu quả vấn đề buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm bãi biển, hàng rong chèo kéo du khách… gây mất mỹ quan, thiếu văn minh, lịch sự ở các khu du lịch cộng đồng. Đảm bảo an ninh trật tự, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, cứu hộ cứu nạn tại các bãi biển, điểm tham quan. Đặc biệt là duy trì hình ảnh điểm đến “An toàn, thân thiện, hấp dẫn, chất lượng đối với du khách.