“Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Bình Thuận”- Cẩm nang giáo dục về di sản văn hóa

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:32, 27/05/2025

Với mong muốn tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy di sản, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam biên soạn và cho ra mắt cuốn sách “Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Bình Thuận”.
img_4072.jpg
Cuốn sách “Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Bình Thuận” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

Cuốn sách do tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, tiến sĩ Trương Đắc Chiến và Đoàn Văn Thuận chủ biên. Sách được in màu, hình ảnh sắc nét, chia thành 4 chương. Trong đó, chương 1 giới thiệu “Tổng quan về tỉnh Bình Thuận”, chương 2 “Quá trình phát hiện và nghiên cứu”, chương 3 “Di tích và di vật” ở vùng phù sa cổ lưu vực sông La Ngà và vùng đồng bằng ven biển, chương 4 “Đặc trưng văn hóa, niên đại và các mối quan hệ văn hóa”.

sach-tien-su-bt.jpg
Sách được in màu, hình ảnh sắc nét

Trong phần giới thiệu cuốn sách, tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khẳng định: “Được mệnh danh là vùng đất “Bình yên Thuận hòa”, Bình Thuận là nơi tụ cư lý tưởng của nhiều lớp cư dân qua nhiều thời đại. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, phủ Bình Thuận chính thức thành lập vào năm 1697, vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Tính đến nay, về mặt hành chính, Bình Thuận đã có lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, lịch sử của vùng đất này không phải chỉ được tính từ cuối thế kỷ XVII, mà phải được tính từ hàng ngàn năm trước, với sự xuất hiện của các di tích khảo cổ ở vùng phù sa cổ thuộc lưu vực sông La Ngà ở Đức Linh, Tánh Linh và trên các đồi cát vùng đồng bằng ven biển ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình. Các di tích này đều có niên đại trong khoảng 3.500 - 2.500 năm, đánh dấu sự xuất hiện sớm nhất của con người trên vùng đất đầy nắng gió này…”.

mot-so-hien-vat-tien-su-va-so-su-4.jpg
mot-so-hien-vat-tien-su-va-so-su-.1.jpg
Một số hiện vật Tiền sử và Sơ sử phát hiện tại Bình Thuận

Qua 353 trang sách, các tác giả đã trình bày đầy đủ, chi tiết và có hệ thống về kết quả khai quật, điều tra, khảo sát các di tích khảo cổ thời Tiền sử và Sơ sử trên địa bàn tỉnh. Những di tích, di vật tiêu biểu đều được minh họa bằng các bản vẽ, bản ảnh và bản dập hoa văn mang tính chính xác, khoa học và thẩm mỹ cao. Đây đều là những tư liệu gốc, đáng tin cậy đối với các nhà nghiên cứu và độc giả say mê lịch sử. Các tác giả phác dựng nên một khung giai đoạn phát triển từ Tiền sử sang Sơ sử ở Bình Thuận và đặt nó trong một bối cảnh rộng hơn với mối quan hệ với các văn hóa đương thời ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Các đặc trưng về di tích, di vật cũng như một số vấn đề về đời sống vật chất, đời sống tinh thần của chủ nhân các di tích Tiền - Sơ sử Bình Thuận cũng được nêu lên một cách cẩn trọng, khách quan và khoa học.

Từ các tư liệu khảo cổ học ở Bình Thuận, chúng ta thấy được một bức tranh đa sắc của Tiền - Sơ sử miền Nam, với sự góp mặt của nhiều cộng đồng cư dân cổ từ thời Đá mới, cư trú trên các dạng địa hình khác nhau, vừa chia sẻ những yếu tố chung mang tính thời đại, vừa bảo lưu và sáng tạo ra những giá trị mang tính bản sắc của mình. Trên cơ sở đó, khi làn sóng của văn hóa Sa Huỳnh từ miền Trung lan tỏa tới, thì vùng đất này vẫn tiếp tục phát triển trong một dòng chảy thống nhất, với một sắc thái riêng không hề nhòa lẫn trong bức khảm văn hóa Tiền - Sơ sử ở vùng đất phương Nam của Tổ quốc.

hien-vat-tien-su-va-so-su-dang-trung-bay-tai-bt.jpg
hien-vat-dang-trung-bay-tai-bao-tang-bt.jpg
Một số hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh phục vụ khách tham quan

Ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bình Thuận có mối quan hệ hợp tác từ khá sớm. Chỉ ít năm sau ngày thống nhất đất nước, các nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã có mặt ở Bình Thuận để tiến hành điều tra, khảo sát. Mối quan hệ hợp tác lại được đẩy mạnh trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, đặc biệt là qua hàng loạt các đợt khảo sát và khai quật ở Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình... Một phần của những thành tựu này đã và đang được thể hiện trên hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, đem đến cho công chúng cái nhìn sinh động và toàn diện về lịch sử vùng đất. Qua tập sách, ta thấy được ngay từ thời Tiền sử, Bình Thuận đã là vùng đất của các cộng đồng cư dân nông nghiệp và thủ công nghiệp, nhưng đồng thời cũng là những cư dân ven biển với các hoạt động giao lưu trao đổi sôi nổi và rộng mở…

img_4068.jpg
Cuốn sách là nguồn tư liệu đáng tin cậy đối với các nhà nghiên cứu và độc giả say mê lịch sử

Để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, hỗ trợ công tác giảng dạy trong nhà trường, hiện Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã gửi tặng sách đến Thư viện tỉnh Bình Thuận, Trường Đại học Phan Thiết, Trường Cao đẳng Bình Thuận, một số trường THPT trên địa bàn TP. Phan Thiết, bảo tàng tư nhân trong tỉnh và bảo tàng các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Bạn đọc có thể đến các địa chỉ trên để đọc và tìm hiểu, bổ sung kiến thức, từ đó nâng cao nhận thức, hành động bảo tồn di sản ở địa phương.

Thùy Linh