Vai trò quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người dân

Pháp luật - Ngày đăng : 05:39, 27/05/2025

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) đã hoạt động hiệu quả, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng yếu thế.
20240424_092817.jpg
Người dân Sông Phan lấy sách từ hộp tin trợ giúp pháp lý xem.

Nói đến hoạt động TGPL, sẽ nghĩ ngay đến nơi tích cực thực hiện hoạt động này là Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (Trung tâm), đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp. Đây là đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trung tâm hiện có 13 cán bộ, viên chức, bao gồm 3 trợ giúp viên pháp lý, chưa kể 18 luật sư ký hợp đồng cộng tác thực hiện TGPL. Theo Trung tâm, với số nhân lực ấy, nhưng hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh có diện tích hơn 7.900 km², với hơn 1,4 triệu người, trong đó 114.000 người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 9% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, so với các tỉnh, thành khác là quá ít. Điển hình như Ninh Thuận có diện tích 5.053 km², dân số trên 590.000 người, trung tâm Trợ giúp Pháp lý của họ 17 biên chế; tỉnh Đồng Nai có diện tích 5.907 km², dân số trên 3 triệu người, có 32 biên chế làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh; tỉnh Bình Dương có diện tích 2.694 km², Trung tâm Trợ giúp pháp lý có 18 biên chế…

Dù khó khăn về nhân lực, nhưng những năm qua Trung tâm vẫn nỗ lực lấy đối tượng yếu thế là mục tiêu phục vụ. Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức cả trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là trên truyền thông. Nhờ vậy, chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Trung tâm và các chi nhánh đã tham gia TGPL gần 600 vụ. Đa phần những người được TGPL có sự hiểu biết và trình độ nhận thức thấp, thiếu may mắn nên trợ giúp viên mất rất nhiều thời gian để hỗ trợ tư vấn pháp lý, tư vấn soạn thảo đơn, đầu tư nghiên cứu, chưa kể di chuyển đi lại mất nhiều thời gian và các khoản chi phí hành chính.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ thị cho các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu, phối hợp khắc phục tình trạng thiếu trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm. Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Kiều Châu - Giám đốc Trung tâm TGPL cho biết: “Đến nay, hoạt động TGPL đã tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Số lượng người dân thuộc diện được TGPL tự tìm đến Trung tâm đề nghị hỗ trợ dịch vụ TGPL ngày càng tăng. Qua đó cho thấy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, truyền thông về quyền được TGPL có vai trò, vị trí quan trọng trong lòng người dân. Có được điều này là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt UBND tỉnh và Sở Tư pháp”.

Theo bà Châu, thời gian tới, Trung tâm sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, phân công viên chức phù hợp với trình độ, năng lực công tác theo quy định của cấp trên. Hằng năm chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, đồng thời đôn đốc, kiểm tra đánh giá và chỉ đạo rút kinh nghiệm những mặt làm được và chưa được, từ đó phát huy hiệu quả công tác, góp phần thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao.

Với những gì đạt được, có thể khẳng định hoạt động TGPL trên địa bàn Bình Thuận đang từng bước phát triển và ngày càng đóng vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống pháp luật của người dân.

Ninh Chinh