"Bước đi" chiến lược mới của ASEAN

Quốc tế - Ngày đăng : 09:43, 27/05/2025

Trong bối cảnh bất định của thương mại toàn cầu, các quốc gia Đông Nam Á đang chủ động theo đuổi chính sách đa dạng hóa đối tác kinh tế và thương mại.

Mối quan hệ ASEAN – Vùng Vịnh – Trung Quốc

Sự cân bằng trong quan hệ giữa ASEAN, GCC và Trung Quốc được xây dựng dựa trên ba nền tảng quan trọng: hợp tác kinh tế, vai trò trung lập của ASEAN và chiến lược hội nhập đa phương của Trung Quốc.

Về hợp tác kinh tế, ASEAN có mối quan hệ chặt chẽ với cả GCC và Trung Quốc. Kim ngạch thương mại giữa ASEAN và GCC đạt hơn 130 tỷ USD năm 2023, với UAE và Saudi Arabia chiếm hơn 75%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với gần 1.000 tỷ USD kim ngạch, đồng thời duy trì trao đổi thương mại mạnh mẽ với GCC, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí và đầu tư hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Điều này cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là yếu tố thúc đẩy quan hệ ba bên.

Vai trò trung lập của ASEAN giữ vị trí cốt lõi trong việc duy trì sự cân bằng. Malaysia, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2025, đã nhấn mạnh rằng tính trung lập không chỉ giúp ASEAN tránh bị cuốn vào cạnh tranh địa chính trị mà còn là động lực chiến lược để củng cố vị thế của khối. ASEAN không chỉ tìm kiếm lợi ích thương mại từ cả GCC và Trung Quốc mà còn chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác dài hạn giữa 3 bên như Hội đồng thương mại ba bên thường trực, Cơ chế giải quyết khẩn cấp về gián đoạn chuỗi cung ứng và Khuôn khổ giải quyết tranh chấp mang tính trung lập.

Chiến lược hội nhập đa phương của Trung Quốc là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy hợp tác ba bên. Tham gia hội nghị, Trung Quốc mong muốn mở rộng quan hệ thương mại với cả ASEAN và GCC, đồng thời ứng phó với các xung đột thương mại từ phương Tây. Việc Trung Quốc hợp tác với ASEAN và GCC giúp hình thành một trục đối thoại Nam-Nam mới, tăng cường tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển trên trường quốc tế.

screenshot_1748313918.png

Hội nghị cấp cao giữa ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) – Trung Quốc diễn ra lần đầu tiên tại Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 27/5

Kết quả đầu tiên

Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC – Trung Quốc lần đầu tiên không chỉ là một sự kiện ngoại giao mà còn là bước đi chiến lược nhằm thiết lập cấu trúc hợp tác lâu dài giữa ba khu vực. Dưới góc độ phân tích, kết quả của hội nghị này được nhìn nhận theo các khía cạnh sau.

Hội nghị này không chỉ nhằm ký kết các thỏa thuận thương mại hay đầu tư ngay lập tức, mà quan trọng hơn, nó tạo ra một khuôn khổ hợp tác ba bên giúp ASEAN, GCC và Trung Quốc có thể điều phối lợi ích chung trong dài hạn.

Malaysia, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2025, đã tận dụng hội nghị này để nhấn mạnh tính trung lập của ASEAN, đồng thời khẳng định rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể trở thành động lực chiến lược giúp ASEAN duy trì vị thế trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị.

Dù chưa có những thỏa thuận lớn ngay lập tức, hội nghị đặt nền móng cho các sáng kiến như Hội đồng thương mại ba bên thường trực, Cơ chế giải quyết khẩn cấp về gián đoạn chuỗi cung ứng, và Khuôn khổ giải quyết tranh chấp mang tính trung lập. GCC, với nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào, đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, trong khi ASEAN có lợi thế về xuất khẩu nông sản và ngành công nghiệp Halal. Hội nghị này mở ra cơ hội để hai khu vực hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực này.

Hội nghị này được xem là một phần trong nỗ lực của ASEAN nhằm giảm sự phụ thuộc vào các mô hình hợp tác truyền thống với phương Tây, cũng như giúp các nước đang phát triển có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.

Nhìn chung, thành công của hội nghị không đo bằng số lượng thỏa thuận được ký kết, mà bằng việc hình thành các thiết chế bền vững, mở ra chương mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và an ninh khu vực.

Vị thế của ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC – Trung Quốc lần đầu tiên thể hiện nỗ lực của ASEAN trong việc định vị lại vai trò của mình giữa các cường quốc, nhằm thích ứng với sự thay đổi của trật tự thế giới đa cực.

ASEAN không còn chỉ là một khối thương mại, mà đang tự nâng tầm chiến lược. Thay vì chỉ là một khu vực hưởng lợi từ dòng chảy thương mại toàn cầu, ASEAN chủ động tạo ra những thiết chế mới như Hội đồng thương mại ba bên thường trực, giúp khu vực có quyền điều phối lợi ích một cách chủ động, thay vì bị động trước ảnh hưởng từ các nền kinh tế lớn.

ASEAN định hình lại vai trò trung gian giữa GCC và Trung Quốc. Khi Trung Quốc và GCC tăng cường quan hệ thương mại, ASEAN đóng vai trò cầu nối tự nhiên giữa hai khu vực này, không chỉ về kinh tế mà còn trong các sáng kiến hợp tác đa phương. Điều này không chỉ giúp ASEAN hưởng lợi từ sự mở rộng của GCC vào lĩnh vực phi dầu khí, mà còn giúp khu vực duy trì cân bằng trước ảnh hưởng từ các cường quốc.

ASEAN hướng tới một trật tự thương mại mới. Thay vì quá phụ thuộc vào các mô hình hợp tác truyền thống với phương Tây, giúp khu vực toàn cầu hóa theo cách có lợi hơn cho các nước đang phát triển. Việc tăng cường quan hệ với GCC và Trung Quốc không chỉ giúp ASEAN mở rộng thị trường, mà còn giúp khu vực này có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề kinh tế và địa chính trị.

Nhìn chung, chiến lược tái định vị của ASEAN không chỉ giúp khu vực duy trì vai trò trung tâm mà còn thúc đẩy một mô hình hợp tác mới, giúp các nền kinh tế đang phát triển có cơ hội tự định hình tương lai của mình.

H Lan (Tổng hợp)