Tánh Linh: Xử lý hàng trăm trường hợp khai thác khoáng sản trái phép

Pháp luật - Ngày đăng : 09:06, 13/06/2017

* Cần đơn giản hóa cấp phép mỏ khai thác nhỏ lẻ

BT- Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, huyện Tánh Linh đã tăng cường kiểm tra, qua đó phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm…

                
Ngành chức năng huyện Tánh Linh xử lý 1    trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.

Ở Tánh Linh, tất cả các xã, thị trấn đều có nguồn khoáng sản thông thường, chủ yếu là đất bồi nền, đá cuội, cát, đá xây dựng, đất sét sản xuất gạch ngói. Để ngăn chặn hành vi khai thác khoáng sản trái phép, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, thành lập Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ chốt chặn 24/24 giờ tại các điểm nóng như: hồ Biển Lạc, Đồng Bồ, cụm công nghiệp ở xã Gia An. Cùng với đó, UBND huyện Tánh Linh còn xây dựng và ký kết quy chế phối hợp với UBND huyện Đức Linh về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản.

Nhờ vậy, từ đầu năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện và UBND các xã, thị trấn đã tổ chức hơn 270 lượt kiểm tra, qua đó phát hiện, xử phạt 151 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, tịch thu 71 máy bơm hút cát. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã tổ chức hơn 70 lượt kiểm tra, xử lý 42 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, phạt hành chính với tổng số tiền gần 180 triệu đồng, tịch thu 11 máy bơm. Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện phát hiện 14 trường hợp, Công an huyện phát hiện 5 trường hợp, UBND các xã, thị trấn phát hiện 23 trường hợp.

Theo nhận định của ngành chức năng, bất cập hiện nay trong thực hiện Luật Khoáng sản là thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản thông thường, nhỏ lẻ thực hiện gần giống như thủ tục xin khai thác khoáng sản quý hiếm, quy mô lớn. Cụ thể, chủ đầu tư phải tổ chức thăm dò, báo cáo đánh giá trữ lượng, lập các thủ tục về môi trường,… nên chi phí rất lớn, thời gian thực hiện thủ tục dài, do đó rất ít trường hợp xin cấp phép khai thác (hiện toàn huyện chỉ có 12 doanh nghiệp được cấp phép, trong đó có 5 doanh nghiệp đang khai thác, 6 doanh nghiệp chưa khai thác do chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, 1 doanh nghiệp ngưng hoạt động do kinh doanh thua lỗ). Do vậy, nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khan hiếm, nhất là đất san lấp, cát, đá chẻ, cuội sỏi. Từ đó dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự, tài nguyên thất thoát, ngân sách thất thu, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

UBND huyện Tánh Linh cho rằng: Để khắc phục khó khăn, bất cập trên cần sớm ban hành quy định riêng cho việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy mô nhỏ lẻ với trình tự thủ tục đơn giản và phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện. Ngoài ra, UBND huyện Tánh Linh đã chỉ đạo các ngành liên quan, Đoàn kiểm tra liên ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung kiểm tra tại các điểm nóng, gắn với xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời…

  TẤN THÀNH