89 năm truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 16:20, 30/07/2019

BTO- Ngay sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), Đảng ta đã thực sự coi trọng lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng - mặt trận quan trọng hàng đầu của cách mạng. Ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8”. Tài liệu này đã có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh.

Căn cứ vào tài liệu lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Ngày 1/8/2002, Ngành Tuyên giáo của Đảng đã được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Sao Vàng”.

Trải qua lịch sử 89 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn lịch sử trong sự nghiệp cách mạng. Cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng về công tác tuyên giáo từng thời kỳ, từng giai đoạn có khác nhau về tên gọi: Ban Cổ động và Tuyên truyền, Bộ Cổ động và Tuyên truyền (giai đoạn 1930 - 1945); Ban Tuyên truyền và Giáo dục Trung ương (năm 1950); Ban Tuyên huấn Trung ương (năm 1951); Ban Tuyên giáo Trung ương(năm 1959)… và hiện nay là Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 2007).

Cho dù tên gọi ở mỗi thời kỳ lịch sử có khác nhau; song về cơ bản, Ban Tuyên giáo Trung ương luôn là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trực tiếp và thường xuyên là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; và cũng là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác đó.

Qua 89 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Tuyên giáo của Đảng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm của công tác tuyên giáo, đó là:

Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao tính khoa học của công tác tuyên giáo. Người làm công tác tuyên giáo phải kiên định bảo vệ những nguyên lý, luận điểm có giá trị bền vững, vận dụng sáng tạo vào những điều kiện cụ thể và không ngừng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Phải thực hiện đúng các quan điểm, lý luận của Đảng là nguyên tắc quan trọng nhất trong giáo dục, tuyên truyền, thẩm định, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra… để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống; đồng thời, phải thường xuyên đổi mới tư duy trong công tác tham mưu; nâng cao tính khoa học, đề xuất với Đảng những quan điểm, quyết sách mới trong lĩnh vực tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử.

 Bám sát thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, dự báo xu hướng, phát hiện vấn đề, chủ động tham gia định hướng, giải quyết những vấn đề tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Công tác tuyên giáo vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật, bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động phong phú, đa dạng, tác động vào nhiều đối tượng, trên nhiều địa bàn khác nhau. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, lực lượng làm công tác tuyên giáo luôn bám sát thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác, căn cứ vào nhu cầu cuộc sống, nắm chắc tình hình từng đối tượng, địa bàn cụ thể; phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên giáo; chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo xu thế diễn biến tình hình, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời đề ra các biện pháp thực hiện có hiệu quả. Trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn hay thuận lợi, ngành Tuyên giáo chủ động tham gia định hướng, giải quyết những vấn đề tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Huy động toàn bộ hệ thống chính trị làm công tác tuyên giáo. Các cấp ủy đảng và chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên giáo. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định: công tác tuyên giáo là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Đảng; là lĩnh vực tiên phong để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, cơ sở chính trị vững chắc của chế độ. Tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng để từng bước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Công tác tuyên giáo phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo chuyên trách là lực lượng nòng cốt. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên giáo. Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì ở đó công tác tuyên giáo được tiến hành có chất lượng và mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi bước tiến của sự nghiệp cách mạng, nhất là sau những thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức chống phá một cách toàn diện, xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những người làm công tác tuyên giáo phải tổ chức phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ định, vu cáo đó bằng cơ sở khoa học thuyết phục và thực tiễn sinh động, vạch trần những âm mưu của chúng để các tầng lớp nhân dân thấy được tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách hợp lòng dân, ý Đảng, theo đúng quy luật phát triển trong từng giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Nếu không vạch trần âm mưu xấu xa của các thế lực thù địch, phản động thì một bộ phận nhân dân do thiếu thông tin dễ hoang mang và giảm sút lòng tin. Chính vì vậy, đi đôi với việc giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, công tác tuyên giáo phải thường xuyên nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động để giữ vững trận địa tư tưởng, bồi đắp, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ tuyên giáo. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng từ cán bộ chiến lược, chuyên gia đầu ngành, đến cán bộ ở địa phương, cơ sở và đội ngũ cán bộ trẻ kế cận. Chú trọng cán bộ cho từng lĩnh vực công tác tuyên giáo, kết hợp chặt chẽ việc đào tạo ở nhà trường với rèn luyện trong thực tiễn công tác. Coi trọng rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, là cơ sở để hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng. Mỗi người cán bộ của ngành Tuyên giáo phải cố gắng phấn đấu nói đúng và hay, viết thạo, am hiểu lý luận và thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm, là người tuyên truyền, hướng dẫn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hấp dẫn, người bạn gần gũi của Nhân dân. Có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút cán bộ có đủ năng lực, trình độ, tâm huyết với nghề nghiệp. Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, các phương tiện thông tin, kỹ thuật hiện đại như: phát thanh, truyền hình, Internet, các loại hình báo chí hiện đại… là cơ sở để công tác tuyên giáo có điều kiện tiến hành nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả hoạt động trong tình hình mới.

Từ khi chia tách tỉnh (tháng 4/1992) cho đến nay, mặc dù điều kiện phát triển của tỉnh Bình Thuận còn nhiều khó khăn so với các địa phương trong cả nước, nhưng với sự thống nhất ý chí, hành động của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đưa kinh tế tỉnh nhà liên tục tăng trưởng, riêng năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,08%; 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá, tăng 8,46% so cùng kỳ; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, phúc lợi và an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững; đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện; bộ mặt đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục khởi sắc. Những thành tựu đạt được của tỉnh trong những năm vừa qua có phần đóng góp quan trọng của công tác Tuyên giáo và đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo tỉnh nhà.

Kỷ niệm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng là dịp để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo - lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Qua đó, góp phần củng cố, giữ vững trận địa tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân. Các cấp ủy đảng tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo; cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với ban tuyên giáo cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Tự hào về truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống và kinh nghiệm hoạt động của các thế hệ cha anh đi trước, rèn luyện phấn đấu nâng cao phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và vẻ vang của ngành Tuyên giáo trong giai đoạn mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp.

Huỳnh Thái Dương