Hàm Tân: Gặp khó khi đưa đối tượng vi phạm vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc

Pháp luật - Ngày đăng : 08:35, 21/06/2017

BT- Những năm qua, huyện Hàm Tân đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội  phạm. Tuy nhiên, việc đưa các đối tượng vào cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa thực hiện hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên toàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng.

Năm 2014, số vụ phạm pháp hình sự 37 vụ, giảm 2 vụ so năm 2013. Năm 2015 xảy ra 47 vụ, tăng 10 vụ so năm 2014. Năm 2016 xảy ra 47 vụ không tăng không giảm so năm 2015. Trong đó, các đối tượng vi phạm có tuổi đời còn rất trẻ, tội phạm về trộm cắp tài sản ngày càng gia tăng, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm là trộm nóng xe máy và lợi dụng sơ hở mất cảnh giác của chủ tài sản, cậy cửa vào nhà lấy cắp tài sản, đối tượng hoạt động manh động và liều lĩnh hơn trước. Các vụ gây rối, đánh nhau có nhiều đối tượng tham gia, với tính chất lưu manh, côn đồ và có sử dụng hung khí. Tình hình tệ nạn xã hội nhất là bài bạc, số đề, ma túy cũng có chiều hướng phát triển lây lan. Số người nghiện ma túy tiếp tục tăng, đến nay toàn huyện có 74 người nghiện ma túy, 10/10 xã, thị trấn đều có tội phạm ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, nổi lên và tập trung nhiều tại thị trấn Tân Minh và Tân Nghĩa. Tình hình trồng cây cần sa tại địa bàn giáp ranh xã Thắng Hải và huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) tiếp tục diễn ra. Những hạn chế trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã, thị trấn chưa tập trung quyết liệt trong công tác chỉ đạo, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào các cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng ở một số nơi chưa kịp thời, chưa đề xuất những giải pháp căn bản, toàn diện để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả. Sự phối hợp của một số ban, ngành có lúc chưa đồng bộ, chưa phát huy hết trách nhiệm, còn ngại va chạm. Công tác quản lý đối tượng, hướng nghiệp, giúp đỡ những người sau cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả thấp; tỷ lệ tái nghiện nhiều, đối tượng nghiện ma túy phạm tội hình sự gia tăng. Công tác quản lý đối tượng, tích lũy hồ sơ chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các đối tượng vi phạm pháp luật để lập hồ sơ đưa các đối tượng vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, quy định việc thu hẹp diện đối tượng, không áp dụng biện pháp đưa vào diện quản lý theo Nghị định 111 đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm.

Khó khăn nữa trong triển khai đưa đối tượng vào các cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc trên địa bàn huyện cần được tháo gỡ hiện nay là hạn chế bớt trình tự, thủ tục để đối tượng không lợi dụng giai đoạn chờ thủ tục để bỏ trốn, không hợp tác, gây khó khăn trong quá trình xử lý. Cần sửa đổi một số quy định cho khả thi hơn so với thực tế để quá trình lập hồ sơ đồng bộ, thống nhất.

  K.CHI