Thực hiện Luật Thanh tra: Nhiều ưu điểm nhưng cần hoàn thiện hơn

Pháp luật - Ngày đăng : 08:33, 31/07/2017

BT- Luật Thanh tra năm 2010 là nền tảng pháp lý trong hoạt động thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quá trình áp dụng luật đến nay cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế.
                
      
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn    công bố kết luận thanh tra tại UBND tỉnh Bình Thuận.    

Kịp thời phát hiện sai phạm

Sau 6 năm thực hiện Luật Thanh tra, toàn tỉnh đã triển khai 1.782 cuộc thanh tra, kết thúc 1.750 cuộc. Đối với thanh tra chuyên ngành độc lập, không thành lập đoàn đã triển khai 25.879 đợt kiểm tra, tuần tra. Đối với các cuộc thanh tra có thành lập đoàn, đã phát hiện sai phạm trong quản lý hơn 81 tỷ đồng, 15.008 ha đất các loại, 36 giấy CNQSDĐ với 368,76 ha; kiến nghị thu hồi 127 dự án, cho gia hạn 65 dự án với diện tích gần 3.000 ha; kiến nghị kiểm điểm 252 cá nhân, 180 tập thể; chuyển cơ quan điều tra 20 vụ... Ngoài ra, đã xử phạt vi phạm hành chính và đã nộp ngân sách hơn 9 tỷ đồng.

Đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành không thành lập đoàn đã đình chỉ thi công 822 công trình xây dựng, buộc tháo dỡ 158 công trình, tước quyền khai thác thủy sản 153 trường hợp... Đã ban hành 29.903 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 99 tỷ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 90 tỷ đồng; bán tang vật tịch thu 7,923 tỷ đồng. Có thể thấy, công tác thanh tra được triển khai đúng nội dung, thời gian, đối tượng theo chương trình, kế hoạch đã được duyệt. Hầu hết các cuộc thanh tra được triển khai đúng trình tự, thủ tục. Qua đó đã kịp thời phát hiện những sai phạm trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành về công tác thanh tra. 

Những bất cập...

Tuy nhiên, tiến độ triển khai và ban hành kết luận các cuộc thanh tra của một số đơn vị, địa phương còn chậm so với luật định. Công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra tại một số đơn vị chưa được quan tâm. Việc thực hiện kết luận thanh tra chấp hành chưa nghiêm, tỷ lệ thu hồi kinh tế chưa đầy đủ và xử lý trách nhiệm chưa cao. Bên cạnh đó, lực lượng mỏng luôn là bài toán khó đối với thanh tra cấp huyện và một số sở, ngành. Về vấn đề này, tại hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng: “Khi sửa đổi luật cần bổ sung quy định cụ thể về số lượng biên chế cho từng cấp. Ngoài ra, phải bổ sung quy định chi tiết về thực hiện luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan thanh tra cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng như đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ. Có thể kiện toàn và tổ chức thanh tra cấp tỉnh vừa thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, theo hướng tập trung và thống nhất trên cơ sở sáp nhập thanh tra tỉnh, thanh tra huyện và thanh tra cấp sở”.

Một bất cập lớn nhất trong Luật Thanh tra mà nhiều đại biểu tại hội nghị cũng nêu lên, là thu hồi sau thanh tra còn lỏng lẻo. Lãnh đạo Thanh tra huyện Bắc Bình cho biết, thời gian qua, các cuộc thanh tra tại địa phương được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo quy trình quy định. Việc công khai kết luận thanh tra được niêm yết tại trụ sở đơn vị của đối tượng thanh tra đúng theo Luật Thanh tra năm 2010, không có bất cập gì. Tuy nhiên kết quả xử lý sau thanh tra vẫn chưa đạt hiệu quả cao. “Vì pháp luật chưa có quy định chế tài mang tính cưỡng chế, bắt buộc dẫn đến việc thực hiện kết luận sau thanh tra chưa nghiêm túc, nhất là trong việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách nhà nước còn thiếu các biện pháp hữu hiệu. Những trường hợp không thực hiện hoặc cố tình kéo dài thời gian thì xử lý như thế nào và mức độ xử lý ra sao?”.

Để nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra trong thời gian tới, nhiều đề xuất, hạn chế đã được kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ nhằm từng bước hoàn thiện Luật Thanh tra cho phù hợp với thực tế và giúp những người thực thi nhiệm vụ không còn bị “rối”.

Minh Vân