KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CỦA LỰC LƯỢNG KỸ THUẬT HÌNH SỰ (23/8/1957 - 23/8/2017):

Pháp luật - Ngày đăng : 10:31, 18/08/2017

Hoạt động của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi

BT- Những tháng gần đây, trong tỉnh xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức giả danh công an, kết bạn qua các trang mạng xã hội hoặc bán hàng online qua mạng internet. Đây là loại tội phạm hình sự phi truyền thống, sử dụng công nghệ cao để gây án, chiếm đoạt tiền của nạn nhân với số lượng lớn và rất nhanh.

Báo Bình Thuận có cuộc phỏng  vấn Đại tá Phạm Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh xung quanh vấn đề này.

Xin Đại tá cho biết tình hình tội phạm công nghệ cao trong thời gian qua ở Bình Thuận như thế nào? 

Hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian vừa qua hết sức phức tạp và tinh vi. Có thể kể ra đây một số thủ đoạn mà tội phạm này thường dùng. Chẳng hạn, chúng sử dụng mã điện thoại nước ngoài điện vào điện thoại bàn của nạn nhân, xưng danh là cán bộ điều tra của một lực lượng thuộc Bộ Công an hoặc Công an tỉnh đang tiến hành điều tra các vụ án buôn bán ma túy, rửa tiền và cho biết tài khoản ngân hàng của nạn nhân đang có số dư đến vài tỷ đồng. Số tiền này nghi là tiền do bọn tội phạm chuyển vào và bọn chúng uy hiếp, buộc nạn nhân phải rút hết số tiền của mình đang có chuyển vào tài khoản của chúng gọi là tài khoản của Bộ Công an để đảm bảo an toàn. Khi nạn nhân chuyển tiền vào,  chúng nhanh chóng đến các chi nhánh ngân hàng rút hết số tiền trên.

Đối với phương thức sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, thủ đoạn của chúng là đặt nickname giống tên người nước ngoài rồi tìm và kết bạn với nạn nhân là phụ nữ. Sau khi kết bạn, chúng thường xuyên trò chuyện với nạn nhân qua  messenger trên facebook, rồi gửi tặng vài món quà nhỏ để làm tin. Tiếp theo, chúng nói là gửi món quà lớn trị giá hàng trăm triệu đồng trở lên cho nạn nhân qua đường hàng không. Đồng bọn của chúng giả danh là nhân viên sân bay thông báo cho nạn nhân về lệ phí hoặc tiền phạt vì gửi hàng cấm buộc nạn nhân chuyển số tiền vài triệu đến vài chục triệu đồng vào tài khoản của chúng trước khi nhận món quà. Khi nạn nhân chuyển tiền vào thì chúng nhanh chóng rút hết số tiền trên. Còn phương thức bán hàng online qua mạng internet, thủ đoạn của chúng là tìm cách trở thành thành viên của các dịch vụ bán hàng online có uy tín. Từ đó tìm, chào hàng rồi bán hàng cho các khách hàng. Chúng giao cho nạn nhân các hàng kém chất lượng hoặc không giao hàng để chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển vào tài khoản cho chúng.

Công an tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều tra như thế nào? 

Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, không để bọn tội phạm này tiếp tục gây án, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, thứ nhất, có văn bản thông báo các phương thức, thủ đoạn gây án của bọn tội phạm này đến các cơ quan truyền thông,  công an các xã, phường, thị trấn để thông báo rộng rãi cho người dân biết, cảnh giác. Tiếp theo, chỉ đạo cácphòng Công tác chính trị,phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Đài PTTH Bình Thuận, thông báo phương thức, thủ đoạn gây án và biện pháp phòng ngừa trong chuyên mục: An ninh Bình Thuận. Có văn bản đề nghị chi nhánh các ngân hàng thương mại đóng phối hợp tốt với công an để kịp thời ngăn chặn, phong tỏa tài khoản của chúng khi phát hiện giao dịch chuyển tiền. Thực tế, trong ngày 22/6/2017 vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đã phối hợp với một chi nhánh ngân hàng tại Phan Thiết ngăn chặn kịp thời một vụ, với số tiền 248 triệu đồng. Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ vừa tuyên truyền cho người dân biết để cảnh giác, vừa nắm chắc tình hình hoạt động của loại tội phạm này trong phạm vi toàn tỉnh để có đối sách, đồng thời phối hợp với Cụcphòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an và Công an các tỉnh lập án điều tra, bắt giữ đối tượng gây án. Trong tháng 7/2017, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã điều tra và bắt giữ 2 đối tượng có hành vi đến các chi nhánh ngân hàng tại tỉnh Lạng Sơn để rút tiền chiếm đoạt được từ các bị hại ở TP. Phan Thiết và Hà Nội. Vụ việc hiện đang tiếp tục điều tra.  

Nhằm làm giảm tội phạm công nghệ cao, thời gian tới Công an tỉnh sẽ tập trung đấu tranh như thế nào?

Công an toàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ như nêu trên, song lấy phòng ngừa là chính, trong đó  đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân. Để phòng ngừa hiệu quả, cán bộ và nhân dân: Không nên nghe điện thoại của các đối tượng lạ, nhất là các số điện thoại có dấu + trước các dãy số, cũng như tự xưng là cán bộ công an với những thủ đoạn đe dọa như nêu trên, vì trong quá trình tác nghiệp, lực lượng công an không bao giờ có cách làm việc như vậy. Nếu lỡ nghe điện thoại lạ thì phải cúp máy ngay, bình tĩnh và nhanh chóng gọi điện thông báo cho người thân hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú để biết, hỗ trợ. Các chị phụ nữ không nên kết bạn trên các trang mạng xã hội với người chưa từng quen biết và thông tin cá nhân không rõ ràng, nhất là các đối tượng có cử chỉ tặng, cho quà như đã nói trên. Không nên mua hàng online trên các trang mạng xã hội khi chưa biết rõ về người bán như thế nào; không nên chuyển tiền trước khi nhận hàng.  Dù lý do gì đi nữa thì không bao giờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của người mà mình không quen biết trước, vì đây là nguy cơ rất cao của một vụ lừa đảo, mặt khác phải tin tưởng vào nghiệp vụ an ninh tài chính, an ninh tiền tệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Khi phát hiện mình bị lừa đảo thì nhanh chóng liên hệ với chi nhánh ngân hàng tại địa phương và lực lượng công an qua đường dây nóng 113 hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú, làm việc để có sự hỗ trợ kịp thời.

Xin cám ơn Đại tá!

THANH QUANG (thực hiện)