Lấy chồng Trung Quốc lại “dậy sóng” ở vùng quê

Pháp luật - Ngày đăng : 08:41, 18/10/2017

BT- Thời gian gần đây, ở thị trấn Phan Rí Cửa, xã Hòa Phú, Chí Công… (huyện Tuy Phong) người dân lại thấy xuất hiện nhiều nhóm thanh niên người Trung Quốc. Cứ tưởng họ đến kinh doanh, buôn bán, tìm mối làm ăn nhưng thực ra, họ đi tìm… vợ.

Tìm vợ hay mua vợ?

Dân địa phương thấy nhóm thanh niên này ở lại khá lâu, có người 2 tháng, 3 tháng, thậm chí 5 tháng, chưa tìm được vợ thì chưa về. Làm cầu nối cho nhóm thanh niên này là ông M. (thị trấn Phan Rí Cửa). Dù không biết nói tiếng Trung Quốc, nhưng ông M. lại “se duyên” thành công nhiều mối. Ông M. bỗng nhiên thành “cò”,  lo chỗ ăn, chỗ ở rồi tìm những phụ nữ đã “lỡ chuyến đò” để giới thiệu. Từ tết đến nay, ông M đã “làm mai” được 4 - 5 người sang làm dâu xứ người. Khi chúng tôi lân la hỏi chuyện với một thanh niên Trung Quốc (thông qua phiên dịch), được biết anh tên Zhou (28 tuổi) ở tỉnh Phúc Kiến. Anh làm công nhân trong một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Anh cùng 4 thanh niên khác đến Việt Nam từ tháng 6/2017, được một người phụ nữ ở Đồng Nai đưa về thị trấn Phan Rí Cửa gặp ông M. để xem mắt vợ tương lai. Đường dây môi giới này dích dắc từ nhiều tỉnh thành, nên “cò” đưa đi đâu, Zhou và các thanh niên khác đều đi theo.

Khi chúng tôi hỏi tại sao không lấy vợ ở Trung Quốc mà lặn lội sang Việt Nam xa xôi? Anh Zhou bảo: “Phụ nữ Trung Quốc nay có “giá” lắm, nếu không có tiền họ không chịu cưới đâu. Chừng 10 năm nữa thanh niên Trung Quốc khó mà lấy được vợ. Ba mẹ tôi cứ hối thúc tôi lấy vợ, sinh con”. “Anh đến Việt Nam cưới vợ dự kiến mất bao nhiêu tiền?”, chúng tôi tiếp tục hỏi. Anh Zhou thành thật: “Khoảng 50.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu đồng), bao gồm các khoản tiền cho nhà gái, đám cưới, giấy tờ, visa…, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở”. Về thông tin này khi chúng tôi hỏi ông M, ông đều né tránh không muốn trả lời. Nhưng thông qua Zhou, chúng tôi biết, để cưới được vợ, thanh niên Trung Quốc phải chi cho đường dây môi giới, “cò cái”, “cò con”, đến khi tìm được ý trung nhân thì gia đình nhà vợ hưởng được số tiền rất ít. Gia đình chồng nào có điều kiện sẽ tặng thêm nhà cô dâu vài ngàn nhân dân tệ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thanh niên sang Việt Nam tìm vợ cũng muốn tìm được người xứng với “đồng tiền bát gạo” và phải có 2 điều kiện bắt buộc: sinh được con và phụ được việc nhà. Đó cũng là lý do đã làm “vỡ mộng” không biết bao nhiêu cô dâu Việt khi vừa đặt chân sang Trung Quốc. Gia đình chồng không giàu sang như miêu tả, họ muốn con dâu phải làm để trả nợ và bất cứ giá nào gia đình chồng cũng phải giữ chặt con dâu Việt trong gia đình, như một món hàng đã mua với giá cao.

 Có được đổi đời?

Việc đàn ông Trung Quốc kiếm vợ Việt Nam không phải chuyện mới, nhưng trước đây hiện tượng này chỉ phổ biến trong nhóm lao động nhập cư hoặc nông dân từ những làng quê nghèo khó, tuy nhiên điều này giờ đã thay đổi. Theo Zhou, Trung Quốc đang là nước mất cân bằng giới tính nghiêm trọng nhất thế giới.  Hiện nay tỷ lệ giới tính trẻ sơ sinh ở Trung Quốc là 121,2 bé trai/100 bé gái. Ở một số tỉnh, tỷ lệ này còn lên đến 130 bé trai/100 bé gái. Do đó đàn ông Trung Quốc đến Việt Nam, Lào, Campuchia tìm vợ bao gồm cả công nhân, nhân viên văn phòng, thậm chí cả giới trung lưu.

Thông qua ông M, Zhou gặp được T. (xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình) đã có 2 con và ly dị chồng. Gia đình T. thuộc diện khó khăn, nên T. lấy Zhou cũng mong đổi đời và phần nào giúp đỡ gia đình. Vài chục triệu đồng cho “lễ ra mắt” đối với gia đình T. vậy là quá được, do đó những câu chuyện bi kịch về việc lấy chồng Trung Quốc, cuộc sống nghèo khổ nơi xứ người không làm T. chùn bước. T. quyết định lên xe hoa và sang nhà chồng vào đầu tháng 10 vừa qua. Trước T., H. (khu phố Song Thanh, thị trấn Phan Rí Cửa) cũng theo chồng đến tỉnh Phúc Kiến, dù ngoại ngữ một tiếng bẻ đôi cũng không biết. Khi nói chuyện với chồng, H. phải dùng trợ thủ “google dịch”. Sự bất đồng ngôn ngữ, trình độ văn hóa, tập quán và ảo tưởng về một cuộc sống vương giả khiến nhiều cô dâu Việt bị hụt hẫng, thất vọng. Ở Bình Thuận, “làn sóng” lấy chồng Trung Quốc có thời gian lan nhanh ở một số vùng quê như thị xã La Gi, xã Hải Ninh (huyện Bắc Bình)… Rồi những câu chuyện đau lòng khi cô dâu Việt bị bọn buôn bán người lừa gạt, những vụ bạo hành liên miên hay những vụ tự tử khi không chịu được sự bức bách nơi xứ người. Tưởng rằng, ước mơ đổi đời bằng việc lấy chồng Trung Quốc sẽ làm thức tỉnh nhiều cô gái trẻ, nhưng những chàng trai Trung Quốc vẫn tiếp tục sang Việt Nam tìm vợ, vô tình làm những vùng quê yên ắng nay lại “dậy sóng”.                          

M.Vân