Đừng chủ quan với tai nạn điện giật

Pháp luật - Ngày đăng : 08:35, 07/12/2017

BT- Tai nạn điện giật thường diễn ra bất ngờ, nạn nhân mất kiểm soát và không có cơ hội sửa sai. Hậu quả của tai nạn điện giật khôn lường khi có nhiều trường hợp không chỉ tàn phế suốt đời mà còn tử vong.
                
Câu móc bóng điện vào thanh sắt mái tôn,    lâu ngày rất dễ dẫn đến rò điện.

Đột ngột và đau lòng

Nói đến tai nạn điện giật, hẳn mọi người vẫn chưa quên vụ việc đau lòng xảy ra đối với em K.T.M.D (17 tuổi, ngụ thôn 3, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc), học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Linh. Tai nạn xảy ra hồi tháng 5/2017, khi em D như thường lệ phơi đồ trước nhà trên hàng rào lưới B40 thì bất ngờ bị điện giật dẫn đến tử vong. Nguyên nhân sau đó được xác định là hàng rào lưới B40 được nối với 1 mái che bằng tôn, dưới mái che có bắt 1 bóng đèn. Do lâu ngày, dây điện mục và ma sát dẫn đến bị rò rỉ điện qua mái tôn xuống hàng rào sắt. Vào tháng 7/2017, tại thôn Tầm Hưng, thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc), anh NTV (23 tuổi, ngụ tại thôn Tầm Hưng, thị trấn Ma Lâm) khi ra vườn cắt thanh long vô tình vướng dây điện bị đứt khiến bị điện giật. Khi gia đình phát hiện thì anh Trường đã tử vong.

Trung bình hàng năm cả nước có khoảng 250 người chết do các tai nạn về điện. Đáng lưu ý, các tai nạn chết người xảy ra chủ yếu đối với người dân do những bất cẩn trong sử dụng điện. Tại Bình Thuận, thống kê hàng năm cũng xảy ra trên dưới 10 vụ tai nạn lao động, trong đó gần một nửa là các vụ tai nạn điện giật. Hầu hết các tai nạn xảy ra do bất cẩn trong sinh hoạt; do thiếu kiểm tra, bảo trì hệ thống dẫn đến rò rỉ, ngoài ra bất cẩn trong lao động xây dựng các công trình cũng xảy ra khá nhiều. Đơn cử như vụ mới đây nhất xảy ra chiều ngày 4/12/2017, khi anh ĐVT, trong lúc xây nhà tại thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) đã bị điện giật té ngã từ trên xuống và tử vong.  

Cảnh giác không thừa  

Theo Công ty Điện lực Bình Thuận, tai nạn điện giật thường xảy ra đột ngột, do vô tình hoặc không nắm vững những nguyên tắc đề phòng tai nạn khi tiếp xúc với điện. Hậu quả là nạn nhân có thể bị bỏng ở các mức độ khác nhau, thậm chí tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn.

Để hạn chế rủi ro với tai nạn điện trong gia đình, hãy thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị đã sử dụng trong một thời gian dài. Đồng thời, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về sơ cứu để tránh những tai nạn đáng tiếc liên quan đến điện có thể xảy ra. Theo đó, chúng ta cần nắm vững cách xử trí, bởi tai nạn điện giật có đặc thù riêng nếu người sơ cứu không cẩn thận và không bình tĩnh sẽ rất dễ trở thành nạn nhân tiếp theo. Khi có người bị điện giật thì cần hết sức tỉnh táo để ngắt nguồn điện bằng cách đóng cầu dao và nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi vật nhiễm điện bằng cách sử dụng những dụng cụ không dẫn điện như găng tay cao su, vật dụng bằng gỗ gạt dây điện ra khỏi cơ thể nạn nhân. Sau đó tiến hành các sơ cứu cần thiết và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu…                       

P. Sinh