Vốn tín dụng chính sách mang tính nhân văn, thực hiện mục tiêu giảm nghèo
Chính trị - Ngày đăng : 16:14, 23/09/2019
Đại biểu dự họp tại điểm cầu Bình Thuận.
Tại điểm cầu Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa cùng Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Bình Thuận, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh…
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, đã tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tính đến 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 40,2% so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7% với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung ưu tiên cho vay đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo.
Đến nay, cả nước đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng, góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016 - 2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,23% (bình quân 1,0%/năm).
Riêng tại Bình Thuận, tổng nguồn vốn tính đến ngày 30/6/2019 đạt 2.616 tỷ đồng, tăng 735 tỷ đồng so với năm 2015. Giai đoạn 2016 -2019, toàn tỉnh giải ngân 2.495 tỷ đồng đến 103,3 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần giúp trên 28 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, cận nghèo; giải quyết việc làm cho trên 6.600 lao động; giúp trên 9.700 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 56 ngàn công trình nước sạch và 52 ngàn công trình vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng nhà ở giai đoạn 2 cho 116 hộ nghèo; trên 10 ngàn hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh… Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân mỗi năm 1,03%, đạt so với mục tiêu giảm từ 1-1,2%/năm.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhấn mạnh đây là hoạt động mang tính nhân văn cao, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ổn định an ninh, chính trị tại địa phương. Do đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng các cấp tiếp tục tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hoạt động của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tạo thuận lợi cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng đối tượng vay vốn chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo lên 10 năm…
T.H