Vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty Dương Đông Hòa Phú: Cán bộ hải quan Bình Thuận sai phạm như thế nào?
Pháp luật - Ngày đăng : 09:25, 26/03/2018
Ảnh minh họa
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định tách vụ án hình sự; tách hành vi mua xăng dầu nhập lậu của 31 doanh nghiệp và hành vi của một số cá nhân giúp Công ty Dương Đông Hòa Phú chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán, để tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng trong công ty trên, trong số này có Nguyễn Đức Mạnh (Tổng giám đốc), Nguyễn Thanh Sơn (Phó Tổng giám đốc), Vũ Văn Bằng (Trưởng phòng kinh doanh), Nguyễn Đăng Duy (Phó phòng kinh doanh), Nguyễn Đức Quang (nhân viên phòng kinh doanh) về hành vi buôn lậu; Aleria Romel Pagente (quốc tịch Philippines, thuyền trưởng tàu BTS Christina) về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Theo hồ sơ, khuya 29/1/2016, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an), Cục Điều tra chống buôn lậu -Tổng cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Hải quan Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra tàu BTS Christina đang bơm xăng từ tàu lên bồn chứa của Công ty Dương Đông Hòa Phú, tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện công ty này nhập khẩu 9.373 tấn xăng Ron A92 nhưng mở tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bình Thuận chỉ 1.877 tấn. Dù chưa được sự cho phép của Chi cục Hải quan Bình Thuận, nhưng công ty này đã cùng với tàu BTS Christina tự ý bơm 3.236 tấn xăng lên kho.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, đường dây buôn lậu này có sự tiếp tay của cán bộ, công chức thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận. Cụ thể, Đinh Hữu Thùy được Chi cục Hải quan Bình Thuận phân công giám sát, kiểm hóa việc nhập xăng A92 từ tàu BTS Christina vào kho của công ty trên. Tuy nhiên, dù có mặt tại kho nhưng Thùy không thực hiện nhiệm vụ được giao. Thùy khai nhận cùng với Lê Văn Vinh (đều là công chức thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận), được đơn vị phân công giám sát, kiểm hóa việc nhập hàng tại Công ty Dương Đông Hòa Phú 12 lần, nhưng chỉ tiến hành kiểm tra vài lần. Việc lập biên bản xăng, dầu để thông quan chủ yếu căn cứ vào số lượng công ty này cung cấp, dẫn đến lượng xăng dầu trong biên bản không đúng với thực tế. Mỗi lần kiểm hóa, Thùy được nhân viên của Công ty Dương Đông Hòa Phú đưa cho 1 phong bì có 12 triệu đồng để bồi dưỡng. Thùy lấy 3 triệu đồng, chia cho Vinh 3 triệu đồng, số còn lại nộp về Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Bình Thuận. Đối với Lê Văn Vinh, tại Cơ quan điều tra, Vinh khai nhận trong 7 lần kiểm hóa, Vinh được Thùy thông báo công ty trên bồi dưỡng 3 triệu đồng/lần (tổng cộng 21 triệu đồng), nhưng Vinh chưa nhận đồng nào. Cơ quan Cảnh sát điều tra cho rằng, mặc dù chưa nhận tiền nhưng Vinh không lên tàu để kiểm hóa, giám sát, hành vi này đã tạo điều kiện cho Công ty Dương Đông Hòa Phú hoạt động phi pháp. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt giam Lê Văn Vinh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; khởi tố, bắt Đinh Hữu Thùy về tội “Nhận hối lộ”.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết: Không có căn cứ xác định các ông V.V.T (Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bình Thuận), T.H.D (Phó Chi cục trưởng), L.T.V (Đội trưởng Đội nghiệp vụ chi cục) có hành vi bao che hay nhận tiền. Tuy nhiên, 3 cá nhân trên đã thiếu kiểm tra, sâu sát các cán bộ dưới quyền dẫn đến nhiều sai phạm. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng có văn bản kiến nghị Tổng cục Hải quan xử lý hành chính nghiêm khắc. |
TẤN THÀNH