Phải tuyên chiến, chặn đứng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê

Pháp luật - Ngày đăng : 18:20, 24/10/2018

BTO- Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai, đối với các sở, ngành và địa phương tại cuộc họp trực tuyến chiều 24/10 về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cho vay nặng lãi (tín dụng đen), đòi nợ thuê đang hoành hành trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây.
                
      Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại cuộc họp

Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai, hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh đang tác động rất lớn đến tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân, làm cử tri lo lắng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải chấm dứt loại tội phạm này trong thời gian sớm nhất. Theo đó, Chủ tịch chỉ đạo Công an tỉnh phải mạnh tay triệt phá, điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng, băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bắt người trái pháp luật và cố ý gây thương tích.

Bên cạnh đó, các ngành và địa phương tùy theo chức trách của mình vào cuộc xử lý, trong đó tăng cường tuyên truyền để cho người dân nâng cao cảnh giác, tránh sa vào tín dụng đen. Tổ chức tín dụng cần nới rộng cho vay để người dân có thể dễ dàng nhất tiếp cận nguồn vốn khi có nhu cầu…

Đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trước tình hình tín dụng đen, đòi nợ thuê diễn biến phức tạp, Đảng ủy và Ban giám đốc Công an tỉnh đã họp bàn và cương quyết giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đại tá Phạm Thật, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, thống kê sơ bộ hiện nay toàn tỉnh có 130 đối tượng từ các tỉnh phía bắc vào (chủ yếu là Hải Phòng, Nam Định…) hoạt động cho vay nặng lãi, gồm: Phan Thiết 82 đối tượng, La Gi 26 đối tượng, Tuy Phong 10 đối tượng…Trong ngày 18/10 vừa qua Công an tỉnh đã bắt 2 nhóm, 6 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn TP. Phan Thiết.

Cũng theo Đại tá Thật, hiện nay không chỉ tại Bình Thuận mà nhiều tỉnh khác ở vùng nông thôn có nơi mất kiểm soát loại hoạt động này, khi nhiều gia đình khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vì mất cảnh giác trở thành nạn nhân của các đối tượng “tín dụng đen”.

                
      Đại tá Phạm Thật, Phó giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị

Trên địa bàn Bình Thuận, các đối tượng hoạt động núp bóng dưới các công ty đại lý bán vé máy bay, dịch vụ cầm đồ, cho thuê ô tô…, sau đó in tờ rơi, quảng cáo “vay không cần thế chấp”, “a lô có tiền”, để lôi kéo người dân. Bọn chúng tổ chức hết sức chặt chẽ, giống như tổng công ty, có phân cấp, có các bộ phận nhân sự, trợ giúp pháp lý, phụ trách vùng, miền, chân rết rất rộng.

Tại Bình Thuận, khi người dân vướng vào không có khả năng trả nợ, đối tượng trực tiếp đe dọa tinh thần đối với con nợ như đòi chặt tay, cắt tai, bắt cóc người thân, xịt sơn, ném chất bẩn vào nhà để gây áp lực bắt người vay trả nợ, hết sức nhức nhối.

“Hiện nay, hầu hết các băng nhóm hoạt động ở các địa phương, chúng tôi đã nắm được đối tượng và nơi ở để điều hành.  Là lực lượng chủ công, chúng tôi sẽ chỉ đạo xử lý cương quyết các đối tượng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh công an cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các sở, ngành và địa phương”, Đại tá Thật đề nghị.

    
  Huyện Tánh Linh: đã vào cuộc xử phạt 12 trường hợp   dán tờ rơi với số tiền 20,5 triệu đồng. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch   đã thống kê hơn 50 số điện thoại thường xuyên dán, rải rờ rơi trong khu   vực dân cư và đã cho mời lên làm việc nhiều lần, nhưng các đối tượng   không đến. Hiện nay Sở đang phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông   tiếp tục mời lên làm việc, nếu không dừng hoạt động dán, quảng cáo tờ   rơi, sẽ tiến hành cắt liên lạc thuê bao. 

 P. Sinh – T. Huỳnh