Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Bài toán khó

Pháp luật - Ngày đăng : 10:49, 12/01/2019

BT- Năm 2018 vừa qua, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chủ động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã được lực lượng chức năng tích cực triển khai. Theo Cục Quản lý thị trường Bình Thuận (thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường), trong năm đã tiến hành kiểm tra 1.591 trường hợp, qua đó phát hiện và xử lý hàng trăm vụ vi phạm với 861 hành vi vi phạm. Qua đó tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu, thu nộp ngân sách nhà nước 4.660 triệu đồng, gồm: Xử phạt vi phạm hành chính 4.200 triệu đồng, bán hàng hóa tịch thu 460 triệu đồng…
                
      
Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng    giả được lực lượng chức năng tăng cường triển khai trên địa bàn    tỉnh.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù số vụ vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu giảm so năm trước đó (118/165 vụ), nhưng hoạt động này vẫn tiếp diễn với nhiều hình thức. Như lợi dụng chính sách thông thoáng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa trên thị trường mà cố ý kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu. Thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu cũng ngày càng tinh vi hơn: Ký gửi hàng hóa theo các phương tiện vận tải hành khách để vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, hoặc thuốc lá điếu nhập lậu được đựng trong các loại bao bì hàng hóa thông thường và người gửi hàng chỉ cung cấp số điện thoại người nhận, do đó khi lực lượng kiểm tra phát hiện thì việc xác minh chủ lô hàng gặp nhiều trở ngại. Thêm nữa, một số cơ sở kinh doanh còn cất giấu thuốc lá điếu nhập lậu tại các nơi riêng tư, kín đáo trong nhà nhằm gây khó khăn cho công tác trinh sát, kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

         
      Trong    năm 2018, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cũng đã chủ trì, phối    hợp các sở, ngành liên quan tiến hành tiêu hủy một số hàng hóa bị    bắt giữ, tịch thu thuộc diện tiêu hủy. Bao gồm 2 tấn phân bón, 1,3    tấn hạt cải giống, 287 chai rượu giả mạo nhãn hiệu, gần 82.250 bao    thuốc lá điếu nhập lậu và nhiều loại hàng hóa khác...

Tương tự, số vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh cũng giảm so với năm 2017 (cụ thể là 100/158 vụ), song vẫn tồn tại ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt của các cơ sở kinh doanh. Đáng quan ngại, tình trạng vi phạm về ghi nhãn hàng hóa như kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Hay kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đủ những nội dung bắt buộc, hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng không thực hiện… còn xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân được cho là do ý thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vì muốn gian lận về nguồn gốc xuất xứ và tính chất của hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa. Mặc dầu vậy, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm này còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với những đối tượng cố tình gian lận thương mại trong kinh doanh…

Được biết hiện nay, kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2019 của Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã được Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường phê duyệt. Trên cơ sở đó cùng với thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp, lực lượng chức năng sẽ tập trung triển khai và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục tổ chức ký cam kết “Không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm” cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đ.QUỐC