Tội phạm mua bán người vẫn còn phức tạp

Pháp luật - Ngày đăng : 10:10, 26/01/2019

BT- Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội do đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì tại điểm cầu Hà Nội đã nhấn mạnh: “Mặc dù các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo triển khai công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, song tình hình tội phạm về tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, đáng lo ngại là tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng, xảy ra ở nhiều nơi, tội phạm mua bán người vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp ở cả trong nước và khu vực”…
         
      Tại    Việt Nam, trong năm 2018 đã phát hiện 221 vụ với 276 đối tượng phạm    tội mua bán người với 386 nạn nhân. So với năm 2017 tuy đã giảm cả    về số vụ và số nạn nhân nhưng nổi lên là hoạt động của loại tội phạm    này với nhiều phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi.

Một số vụ điển hình như ngày 29/4/2018, Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang 2 đối tượng là Ngô Thị Vân (SN 1976) và Ngô Thị Gái (SN 1974) đưa 6 phụ nữ quốc tịch Campuchia sang Trung Quốc bán làm vợ. Các đối tượng khai nhận đã lừa trót lọt 6 nạn nhân khác để bán ra nước ngoài. Trước đó vào tháng 2/2018, có 11 phụ nữ Inđônêxia nhập cảnh vào Việt Nam miễn thị thực, khi đang tổ chức xuất cảnh sang Trung Quốc thì bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng phát hiện. Bên cạnh đó, tội phạm mua bán người còn lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các đối tượng không trực tiếp đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài bán mà dùng thủ đoạn lừa nạn nhân liên lạc qua điện thoại hướng dẫn cách di chuyển đến khu vực giáp biên giới rồi đưa qua biên giới bán. Ngày 28/4/2018, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với công an các địa phương giải cứu 3 phụ nữ trú tại tỉnh Đồng Tháp bị lừa bán sang Trung Quốc. Theo điều tra các nạn nhân khai bị 2 đối tượng dụ dỗ sang Trung Quốc tìm việc làm và lấy chồng giàu sang, sau đó các đối tượng không đi cùng mà chỉ liên lạc qua điện thoại, hướng dẫn nạn nhân di chuyển đến địa điểm và có người đón. Gần đây còn phát hiện một số vụ việc các đối tượng tìm đến phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn rồi dụ dỗ đưa ra nước ngoài sinh con, nhất là sang Trung Quốc sau đó bán cho người dân địa phương. Tình hình tội phạm mua bán người ở tỉnh ta thời gian qua cũng hết sức phức tạp, số đối tượng môi giới kết hôn với người nước ngoài từ nơi khác đến rủ rê, lôi kéo một số phụ nữ ở địa phương vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để cho người nước ngoài “xem mặt chọn vợ”. Số đối tượng từ thành phố Hồ Chí Minh đến địa bàn tỉnh còn núp bóng dưới hình thức môi giới hôn nhân với người nước ngoài, tuyển công nhân ra nước ngoài lao động tiềm ẩn nguy cơ vi phạm và phạm tội. Đáng chú ý là số phụ nữ, trẻ em thông qua môi giới đã lợi dụng đi du lịch để hoạt động mại dâm ở Malaysia có chiều hướng gia tăng.

Để làm giảm tội phạm mua bán người xảy ra ở các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người. Đẩy mạnh công tác phát hiện, đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm mới. Ngăn chặn, kiểm chế sự gia tăng tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán người trên biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế và phòng chống mua bán người. Ít nhất 50% người dân tại địa bàn trọng điểm, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các thông tin có kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người, kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua bán người…

PHAN LIÊN