Vì sao tạm dừng chuyển nhượng 132 thửa đất ?
Pháp luật - Ngày đăng : 08:59, 27/11/2019
Nhiều diện tích đất ở Phan Thiết chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn không đúng quy định. Ảnh: N.L |
Vì sao tạm dừng chuyển nhượng?
Sự cần thiết và căn cứ pháp luật của việc đề nghị tạm dừng chuyển quyền sử dụng đất được thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, cụ thể như sau: Ngày 23/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 41 về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP. Phan Thiết. Quá trình điều tra, đã xác định từ tháng 2/2016 đến tháng 12/2018, UBND TP. Phan Thiết đã cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn tại 3 xã: Thiện Nghiệp, Tiến Lợi, Phong Nẫm thuộc TP. Phan Thiết, gồm 132 thửa đất, với diện tích 170.987,3 m2 là trái quy định của pháp luật đất đai (Điều 52 Luật Đất đai năm 2013, Điều 69 Nghị định 43/NĐ - CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Điều 6 Thông tư 30/2014/TT - BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ Tài nguyên - Môi trường).
Qua đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 3 đối tượng về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Quá trình điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP. Phan Thiết, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định 132 thửa đất chuyển mục đích trái pháp luật là có nguyên nhân từ hành vi phạm tội của các cá nhân có thẩm quyền trong việc cho chuyển mục đích và 132 thửa đất này là vật chứng của vụ án, có giá trị quan trọng để chứng minh tội phạm và người phạm tội, cũng như việc giải quyết vụ án (theo Điều 89 Bộ luật TTHS).
Việc tạm dừng chuyển quyền sử dụng 132 thửa đất này là để đảm bảo về mặt chứng cứ, giữ nguyên hiện trạng của các thửa đất; tránh việc chuyển nhượng, xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP. Phan Thiết; cũng như để khắc phục hậu quả, ngăn chặn giao dịch phát sinh trên các quyết định trái pháp luật trước đó, khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội, theo căn cứ Điều 6 và Điều 168 Bộ luật TTHS năm 2015.
Có bị thu hồi 132 thửa đất?
Theo Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận cho biết: Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị tạm dừng cho chuyển nhượng 132 thửa đất nói trên là đúng theo quy định của Bộ luật TTHS, bởi 132 thửa đất nói trên được xem là vật chứng của vụ án đang trong quá trình điều tra. Đây là vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội nên cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp như: thu giữ, ngăn chặn và xử lý vật chứng, trong đó có cả biện pháp tạm dừng giao dịch về tài sản. Đối với các thửa đất được xác định chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái với quy định pháp luật, nhưng chưa chuyển nhượng cho người thứ 3 thì khi xét xử vụ án, tòa án sẽ quyết định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định pháp luật để khôi phục lại hiện trạng ban đầu, từ đất thổ cư trở thành đất nông nghiệp như ban đầu.
Theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ 3 ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”. Như vậy, đối với những trường hợp người dân đã lỡ mua và sang tên các thửa đất này thì quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ, do họ là người nhận chuyển nhượng ngay tình. Nói cách khác người dân lỡ mua ngay tình đối với các thửa đất này thì sẽ không bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, căn cứ Điều 6, Điều 168 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: Điều 6. Phát hiện và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội: Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa; Cơ quan, tổ chức hữu quan phải thực hiện yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị, cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Điều 168: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định, yêu cầu của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát: Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định, yêu cầu của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. |
P.V