Tội phạm mua bán người vẫn hoạt động phức tạp
Pháp luật - Ngày đăng : 09:41, 09/01/2020
Có thể khẳng định, đến nay vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ chưa biết rõ những thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người. Trong khi đó, nhiều người nhẹ dạ cả tin, cộng với tâm lý sính ngoại và nghĩ rằng nơi đất khách quê người sẽ có nhiều việc nhẹ, lương cao dành cho mình. Cũng có người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà nhắm mắt làm ngơ, phó mặc số phận, chỉ biết trông đợi vào sự may rủi, dẫu chẳng biết được khi bước qua biên giới rồi cuộc đời họ sẽ như thế nào. Và đây chính là mảnh đất màu mỡ, là cơ hội để tội phạm mua bán người hoạt động.
Thông thường, để đưa người ra nước ngoài, các đối tượng thường dụ dỗ, hứa sẽ cho làm việc với mức lương cao, đi du lịch giá rẻ, lấy chồng nước ngoài… nhưng thực chất là để bán vào các ổ mại dâm, quán bar, karaoke hoặc ép họ làm vợ bất hợp pháp, đẻ thuê. Tại Bình Thuận, tình trạng trên chủ yếu tập trung ở Phan Thiết, La Gi, Bắc Bình, Tuy Phong. Đối tượng thường lân la tìm đến những cô gái trẻ tuổi dưới 30 nhưng gia đình thiếu quản lý hoặc có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, tại khu vực biên giới biển, hoạt động lôi kéo, lừa gạt, môi giới hôn nhân, xuất cảnh lao động trái phép ra nước ngoài, bí mật bán nạn nhân vào các tụ điểm mại dâm, cưỡng bức lao động… vẫn diễn ra.
Đấu tranh với loại tội phạm này, năm qua lực lượng công an, biên phòng tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nắm tình hình về những vụ việc, hiện tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người. Đến nay, cơ quan chức năng đã xác định có 3 vụ mua bán người. Cụ thể, vụ N.M.K (SN 1988), ngụ xã Tân Bình (La Gi) bị một số đối tượng môi giới sang Trung Quốc để làm việc hứa trả mức lương 10 triệu đồng/tháng. Không lâu sau, K bị bán cho người đàn ông Trung Quốc để phục vụ nhu cầu tình dục. Khi K không đồng ý thì bị đánh đập và yêu cầu gia đình chuyển 70 triệu đồng mới cho về Việt Nam. Tương tự, T.T (SN 1989), ngụ xã Tiến Lợi (Phan Thiết) cũng sang Trung Quốc để làm việc với mức lương 20 triệu đồng/tháng theo lời hứa. Tuy nhiên, khi sang Trung Quốc thì T bị các đối tượng giam giữ. Họ yêu cầu gia đình T chuyển 50 triệu đồng mới chịu thả. Trường hợp khác, tháng 4/2019, Q.T (SN 1993), ngụ xã Sông Lũy (Bắc Bình) thông báo với gia đình sẽ sang Trung Quốc để làm việc. 1 tuần sau, gia đình T nhận được cuộc gọi qua zalo thông báo, kèm clip T bị bắt giữ, đánh đập bằng roi điện. Đối tượng yêu cầu gia đình phải chuyển 300 triệu đồng mới có thể chuộc T về.
Thực tế trên cho thấy, tội phạm mua bán người vẫn âm thầm hoạt động tại nhiều nơi trong tỉnh, nhất là những vùng dân cư ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những nơi người dân có trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh sự chủ quan, thiếu hiểu biết của các nạn nhân, để diễn ra hoạt động mua bán người còn do cấp ủy, chính quyền và một số ngành chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa. Do đó, công an các cấp phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Đồng thời, siết chặt công tác quản lý nhà nước về cư trú; chủ động tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, không để tội phạm mua bán người hoạt động.
LÊ PHÚC