Tăng cường kiểm tra, xử lý việc buôn bán động thực vật hoang dã

Pháp luật - Ngày đăng : 09:47, 22/03/2020

BTO- Việc săn bắt, vận chuyển, mua bán, sử dụng động, thực vật hoang dã đã được pháp luật nghiêm cấm từ lâu.

Tuy nhiên trong thực tế, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra bình thường. Điển hình là tại các địa phương có rất nhiều quán nhậu chuyên bán thịt rừng, được quảng cáo, giới thiệu rất công khai. Thậm chí vào nhiều quán nhậu hải sản, quán nhậu đồng quê nhưng khách gọi thịt rừng là có ngay: rùa, rắn, baba, heo rừng, nai, nhím, kỳ đà, tê tê, cheo… đều sẵn sàng phục vụ.

Thịt rừng thuộc nhóm “đặc sản” cao cấp của giới ăn nhậu, nên người lao động bình dân ít sử dụng vì giá nó không rẻ; cán bộ, công chức thường nhậu nhiều loại này. Đây là một thực tế và hiện nay tâm lý người ta vẫn xem việc sử dụng thịt rừng trong sinh hoạt tiệc tùng, quan hệ xã giao là chuyện bình thường.

Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý kiên quyết ngay từ bây giờ, các quán nhậu đặc sản vẫn còn hoạt động nhộn nhịp như hiện nay thì động vật hoang dã sẽ có nguy cơ tuyệt chủng. Điều này đã hiển hiện trước mắt.

Trước thực trạng đó, vừa qua UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc gây nuôi sinh sản, buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã. Trong đó chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Hạt kiểm lâm, Công an huyện, phòng Kinh tế và hạ tầng, Đội quản lý thị trường… tập trung tuyên truyền, giáo dục nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc chấp hành các qui định của pháp luật về bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã. Đặc biệt không săn bắt, vận chuyển, mua bán, sử dụng, cất giữ, làm quà biếu tặng là các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã quí hiếm thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về Thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES).

Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động thực vật hoang dã; tập trung kiểm tra các cơ sở chế biến, cơ sở buôn bán, kinh doanh, gây nuôi sinh sản, đặc biệt chú trọng động, thực vật hoang dã nguy cấp, quí hiếm thuộc Phụ lục CITES để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần thể hiện vai trò gương mẫu, trước hết phải dứt khoát từ chối việc tiêu thụ, sử dụng động thực vật hoang dã, đồng thời tích cực phát hiện ngăn chặn hành vi săn bắt, mua bán, cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ bất hợp pháp động thực vật hoang dã.