Hồn Việt

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:29, 01/01/2016

BT- Trong mỗi gia đình Việt Nam, lễ giỗ luôn là những ngày thiêng liêng, là sợi dây huyết thống nối kết bền chặt giữa các thế hệ. Chính vì thế mà con cháu luôn ghi nhớ những ngày cúng giỗ của ông bà, tổ tiên như nét đẹp trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
                
Ảnh minh họa

Từ trước một tháng, những người mẹ, cô, dì đã chuẩn bị sẵn nếp, đậu để gói bánh tét, bánh ít. Họ nuôi sẵn bầy gà, vịt và dự tính những món làm để cúng kiếng. Gần đến ngày đám giỗ, những người đàn ông trong nhà vừa đi mời bà con chòm xóm vừa đi mượn bàn ghế rồi lau chùi sạch sẽ. Phụ nữ đi cắt lá chuối, rửa, lau cho sạch rồi phơi heo héo để chuẩn bị gói bánh. Những bắp chuối, quày chuối trong vườn hoặc các loại trái cây khác được “ngắm” để dành cho đám giỗ.

Bữa cúng tiên, con cháu tụ họp về nhà vừa gói bánh vừa chuyện trò rôm rả. Không khí trong nhà rộn ràng với tiếng nói, tiếng cười xen lẫn tiếng dao thớt bằm tỏi, xắt hành, ớt. Tối đó, cả nhà quây quần bên nồi bánh tét và câu chuyện là những dòng hồi ức về người đã khuất. Một sợi dây tình cảm thiêng liêng gắn kết giữa quá khứ và hiện tại để mọi người cảm nhận rõ hơn về dòng tộc, gia đình. Rồi sáng hôm sau, từ mờ sáng, mọi người đã thức dậy từ rất sớm, mỗi người bắt tay vào một việc. Ai giỏi nấu nướng thì đảm nhận vai trò bếp chính. Ai vụng về hơn thì lo cắt, tỉa, lặt rau, rửa hành. Qua mỗi kỳ đám giỗ, những người con gái lại học được từ các bà, các mẹ, các chị vô số kiến thức về nữ công gia chánh, từ cách nấu nướng cho đến cách cắt, tỉa bông hoa, cách sắp xếp, trang trí các món ăn cho đẹp mắt.

Sau đám giỗ, những người khách ra về với gương mặt ửng đỏ vì men rượu, tay xách bịch bánh ít, bánh tét, trái cây được gia chủ gởi tặng thay cho lời cám ơn. Thế mới cảm nhận đúng nghĩa hai từ giỗ quãi trong tập tục của người Việt.

Ở thế kỷ XXI, người Việt vẫn rất chú ý ngày cúng giỗ nhưng cách chuẩn bị thì đã có sự thay đổi. Những người phụ nữ gói bánh dường như đã lùi vào dĩ vãng. Chẳng còn bao nhiêu nhà tự gói bánh mà đa số là đi mua. Tiếng dao thớt băm băm, chặt chặt cũng thưa thớt vì đa số mọi người chọn cách đặt đồ từ nhà hàng mang tới. Cuộc sống tất bật theo nếp sống công nghiệp khiến họ không còn thời gian để chuẩn bị lễ giỗ ở nhà. Và trên bàn thờ vẫn đầy đủ bông hoa, trái cây, các món ăn nhưng thiếu đi không khí ấm cúng, rộn ràng của con cháu. Có người không thể về quê cúng giỗ vì họ không thể xin nghỉ được. Một chút chạnh lòng vương vấn trong mắt của những người lớn tuổi nhưng những cú điện thoại của con cháu từ nơi xa gọi về cũng làm họ ấm lòng. Đạo lý của dân tộc vẫn luôn là dòng chảy xuyên suốt trong tâm tư, tình cảm của mỗi người dân đất Việt.

Hoàng Mai Quyên