Phật Cồ Đàm - cuốn sách hay, nên đọc

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:40, 21/01/2016

BT- Nếu Phật có nghĩa là Người đã tỉnh ngộ thì Phật Cồ Đàm là người giác ngộ nổi tiếng nhất nhưng không có nghĩa là người giác ngộ duy nhất. Nói thế để hiểu, mỗi người đều có thể trở thành một vị Phật vì khi đó là trí thông minh đã tỉnh ngộ, và cũng là lúc thức tỉnh của người với nhân sinh.

Thức tỉnh của người với nhân sinh cũng có nghĩa là tự thức tỉnh mình cùng với việc thức tỉnh người khác tỉnh ngộ.

Cũng theo tác giả OS HO,  khi người đã tỉnh ngộ cũng có nghĩa trí thông minh tỉnh ngộ, vì lẽ ấy mà tác giả có lời bàn về trí thông minh rất thuyết phục, tác giả nói: “Trí thông minh là khả năng sống trong hiện tại. Càng sống nhiều với quá khứ hay tương lai, bạn càng kém thông minh. Trí thông minh là khả năng sống ngay tại đây, ngay lúc này, chứ chẳng phải nơi nào khác”. Để thuyết phục suy nghĩ này, tác giả đã dẫn dụ rất có lý. Ví dụ bạn đang  ngồi ở trong nhà, ngôi nhà đột nhiên bốc lửa, lúc này không chỉ tài sản mà tính mạng bạn đang bị đe dọa. Trong khoảnh khắc ấy hẳn bạn không nghĩ gì đến quá khứ, càng không nghĩ gì đến ngày mai. Rõ ràng ngày mai hay ngày hôm qua chẳng liên quan gì, thậm chí ngày hôm nay cũng không liên quan gì mà lẽ ở thời điểm này, giây phút này là có liên quan vì phải sử dụng đến trí thông minh. Cũng không chỉ là trí thông minh mà giây phút đó còn là lúc có cảm xúc mãnh liệt nhất để bạn tỉnh ngộ, đưa đến sự sáng suốt, một sự sáng suốt đem lại tự do, đưa lại chân lý.

Tác giả OS HO  (1931-1990) là người huyền học đương đại được hàng triệu người trên thế giới ngưỡng mộ. Các tác phẩm của ông được xuất bản hơn 40 thứ tiếng, ghi lại từ những buổi nói chuyện trong suốt 35 năm, bao gồm rất nhiều đề tài từ hành trình tìm kiếm hạnh phúc của cá nhân đến những mối quan tâm về tâm linh, chính trị xã hội mạnh mẽ nhất trong thời đại chúng ta. Báo The Sunday Times của London gọi OS HO là một trong “10 nhân vật tạo nên thế kỷ XX”.  Sách của ông bán chạy ở nhiều nước. Nhà xuất bản Đồng Nai chọn in cuốn Phật Cồ Đàm lúc này thật hợp lẽ vì làm người phải biết tỉnh ngộ và luôn luôn giúp người khác tỉnh ngộ.

Trở lại cụm từ Trí thông minh tỉnh ngộ, tác giả OS HO nói: “Người thông minh không quan tâm lắm đến thông tin và kiến thức. Người thông minh quan tâm nhiều đến khả năng hiểu biết. Anh ta chỉ một mực quan tâm đến việc hiểu biết, chứ không phải kiến thức”. Tác giả OS HO nói tiếp một câu nói mà tôi vô cùng tâm đắc: Hiểu biết giúp bạn thấu hiểu, còn kiến thức chỉ cho bạn cảm giác thấu hiểu chứ không cho bạn sự thấu hiểu đích thực.

Quả thế thật! Cảm giác thấu hiểu là một thứ bệnh của sự đơn giản mà người cậy có kiến thức hay vấp phải. Họ không biết rằng, nhờ có kiến thức mà bộ nhớ của họ càng lớn hơn nhưng tuyệt nhiên trí thông minh của họ không hề lớn thêm.

Trần Duy Lý