Nguyễn Huỳnh Sa “Chong chóng của tôi xưa”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 14:12, 29/01/2016
“Lá dứa biển ba thắt thành chong chóng
Tuổi thơ con xoay vun vút gió đồng
Xếp giấy vở con tập làm chong chóng
Góc sân trường chờ ngọn gió đi rong
Trước sân đời đâu dễ cứ long nhong
Cứ đợi gió xuôi chiều xoay cuộc sống
Không lá dứa con vẫn là chong chóng
Trận trốt đời ràn rạt quất sau lưng
Buổi quay về, lạo xạo cát quanh chân
Khách sạn, nhà hàng chiều lô nhô bãi
Gặp lá dứa níu vai mình đau nhói
Chong chóng ngậm ngùi - chong chóng của ba xưa”.
Nhà thơ Lê Đạt đã từng nói: “Thơ hay là đọc xong phải có sự thay đổi trong tâm hồn mình. Thơ hay giống như đi qua đò, có gió, có sóng và sang được bờ bên kia. Thơ hay không chỉ đứng bên bờ này mà thôi… thơ hay có đạo đức cao vì nó tạo ra một thói quen đạo đức mới. Ở thơ hay: đạo đức, nhân văn, mỹ học là một…”.
Qua bài thơ “Chong chóng” của Nguyễn Huỳnh Sa, chỉ với 12 câu, tôi thấy cả cuộc đời của cha tôi, một cuộc đời đầy gian khổ. Tôi cũng thấy lại tuổi thơ của tôi trên cánh đồng miền Trung đầy gió Lào và nắng quái. Nghe lòng mình rưng rưng, tôi nhận ra: thân phận kiếp người cả cuộc đời của ba thế hệ. Ở giữa cái thời, nhiều người bỏ quê ra phố. Trẻ con có rất nhiều trò chơi điện tử tối tân, Nguyễn Huỳnh Sa nói đến trò chơi chong chóng thắt bằng lá dứa biển đã đưa chúng ta trở về với tuổi thơ, với miền quê yêu dấu, với cả nắng mưa, gió bão cuộc đời.
Nguyễn Huỳnh Sa tên thật là Nguyễn Đăng Vân. Anh sinh ra tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, hiện thường trú tại thị xã La Gi. Từ những năm 1980, thơ Nguyễn Huỳnh Sa đã xuất hiện trên các báo, tạp chí văn nghệ ở địa phương và Trung ương. Người đọc yêu những vần thơ của Nguyễn Huỳnh Sa mượt mà, âm hưởng ca dao. Đọc thơ Nguyễn Huỳnh Sa ta bắt gặp hình ảnh những cánh cò trải rộng trên cánh đồng chiều ngát xanh, những bông cỏ long chong quay cuồng trong nắng gió, những bãi đá hoang sơ nghiêng đời nghe biển vỗ vào lòng mặn chát. Có lẽ hình ảnh quê nhà, anh đã đưa vào thơ của mình trong những tâm trạng khác nhau trong cuộc sống đời thường:
Chưa tết mà lòng đã tết
Nao nao góc tuổi năm mười
Hoa vạn thọ chạm vàng lên cuối Chạp
Hương chạm mềm muôn ngực bấc non tươi
Ta chạm nhằm đêm tháng Chạp xa xôi
Lá chuối xanh bỗng ngọt ngào mật cốm
Chiếc quạt mo cau nở bầy đom đóm
Khuya bập bùng lay bóng mẹ trầm ngâm
Lại chạm vào một ngày thật xa xăm
Khi áo lục khăn điều bay lất phất
Thì trái khế vắt phận mình chua chát
Để lung linh, ửng mặt những mâm đồng
Khi cá mè, cá chép giỡn trăng trong
Nàng Tố nữ ôm đàn bên vách đợi
Mẹ gói “đất trời” tròn vuông lá mới
Én bay về chạm đỏ sắc hoa vông
Hứng mặt trời trên cõi tết mênh mông
Vẫn chưa đến tận cùng đêm - cõi - tết
Làm sao hiểu những gì chưa hiểu hết…
Xin thắp lòng dâng mẹ lúc tàn đông.
(Bài thơ Giáp tết)
Nguyễn Huỳnh Sa rất kỹ lưỡng, thận trọng trong khi sáng tác. Nhiều lúc, chúng tôi thấy anh khổ sở vì một câu thơ của mình. Anh sửa tới, sửa lui cân nhắc từng con chữ, đến khi nào thật đạt, thật vừa ý anh mới chịu thôi. Chính vì vậy, anh viết nhiều nhưng công bố rất ít, có chọn lọc khi trình làng. Mãi đến năm 2008, Nguyễn Huỳnh Sa mới cho ra đời thi phẩm “Đá mặn nghiêng đời nghe sóng vỗ”. Có những câu thơ đầy ám ảnh, ghim vào hồn người đọc:
“Biển gửi vào ta
Những mặn mòi, xa xót
Ta mượn biển trời
Bèo bọt
Để trăm năm…”
Nguyễn Huỳnh Sa tinh tế đưa vào thơ những hình ảnh đối nghịch, nhưng gần gũi trong cuộc sống đầy lãng mạn:
“Đà Lạt
bây giờ anh mới hiểu
những con đường
vặn mình
khúc khuỷu
để thông bên đường
tăm tắp nến
mây xuyên
Anh không biết
sao cà phê lại đen
mới vỡ lẽ - bông cà phê rất trắng
chỉ không hiểu
trưa vàng
em nhốt nắng
sao để phập phồng
trong ngực áo len xanh?
Em giấu đâu rồi
màu lửa phượng của anh?
lửa của tình đầu
ngun ngút đỏ
màu phượng bây giờ
cứ rưng rức nhớ
tím đầy tay em
Vẹt lá sân trường
kiếm lại chút thân quen
anh chợt hiểu
vì sao phượng tím
mưa Đà Lạt
lay phay
chiều bịn rịn
gặp sắc phượng hồng
đậu kín má em tôi”.
(Đà Lạt)
Với bài thơ “Chữ O”, Nguyễn Huỳnh Sa viết cho con, nhiều người đọc thấy lại chính hình ảnh, tâm trạng của chính mình trong cuộc mưu sinh:
“Phải đâu tại cái bút chì
Mà con gọt mãi làm chi thêm phiền
Con gà gọi mặt trời lên
Chữ O nào có tròn trên miệng gà
Chiếc bong bóng xẹp góc nhà
Chữ O con xẹp cũng là “tự nhiên”
Giấy thì trắng, chì thì đen
Đường cong cứ mãi vòng trên giấy đời
Thôi đừng gọt nữa con ơi
Ba đã gọt hết phần đời của ba
Mà O tròn vẫn … tiếng gà
Chữ O ba có bao giờ tròn đâu”.
(“Chữ O”)
Những câu lục bát tự sự của Nguyễn Huỳnh Sa chứa chan tình cảm như là khoảng lặng, tiếng thở dài trong đường đời nhiều gian nan!
LÊ NGỌC TRÁC