Gặp người chơi diều sáo ở Bình Thuận

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:18, 26/02/2016

BT- Vài năm nay, vào mỗi buổi chiều, khi âm thanh của tiếng sáo phát ra từ những con diều trông như những con bướm khổng lồ bay lượn trên bầu trời ở xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) thì người dân lại nói với nhau, đã đến giờ ông Khuê thả diều.
                              
Ồng Trần Văn Khuê và anh Trần Bá Sơn lắp    ráp diều. Ảnh: X.H
   
Ông Khuê hướng dẫn thả diều.

Mang theo cảm hứng chơi diều sáo từ Thái Bình quê ông, người cựu chiến binh Trần Văn Khuê ở thôn 5, xã Hồng Sơn đã tạo ra nhiều con diều kiểu cách, bắt mắt, kích thước lớn. Hiện ông đang sở hữu hơn 10 con diều bộ sáo 3, kích thước mỗi con: 4,5m.

Ông chia sẻ, sau một ngày làm việc, nhìn lên bầu trời ngắm những con diều bay lượn chính tay mình làm và nghe âm thanh của tiếng sáo diều sẽ xua đi những mệt mỏi trong người. Ông nói, quê Thái Bình nơi ông sinh sống trước đây có hẳn Lễ hội thả diều sáo. Nó như món ăn tinh thần ngấm vào trong máu của từng người nên người dân nơi đây hầu như ai cũng biết làm diều và thuộc bài thơ “Thả diều” của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Trời như cánh đồng/ Xong mùa gặt hái/Diều em - lưỡi liềm/Ai quên bỏ lại/Cánh diều no gió/Nhạc trời réo vang/Tiếng diều xanh lúa/Uốn cong tre làng…”.

Khi hỏi về ý nghĩa và âm thanh của bộ sáo 3, thì ông Khuê giải thích: bộ sáo 3 gọi là thiên, địa, nhân. Âm thanh của tiếng sáo phát ra từ độ cao gần 500m “bô bô, rô rô, ri ri…” nghe kỹ giống như tiếng của người mẹ ru con, vừa ấm áp, vừa thân thuộc với làng quê nông thôn. Nông thôn Bình Thuận cũng có nét tương đồng với nông thôn Thái Bình, một bên là ruộng lúa, một bên là thanh long rộng ngút ngàn phù hợp với việc thả diều. Diều trông to nhưng tháo ra lắp vào rất thuận tiện. Khi có gió thì mang diều ra đồng rồi tung diều lên theo chiều gió, và từ từ thả dây cho diều chao lượn bay vút lên cao, sau đó buộc dây diều vào một gốc cây cố định.

Anh Trần Bá Sơn, giáo viên Trường THCS Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, người cùng thôn với ông Khuê cho hay, từ khi ông Khuê thả những con diều sáo có rất nhiều người dân đến xem và học hỏi cách làm diều, đặc biệt là các em học sinh. Trước đây khi rảnh rỗi các em thường đến các tiệm điện tử chơi game, nhưng bây giờ các em thường đến xem diều của ông Khuê.

Theo ông Khuê chi phí làm mỗi con diều mất khoảng 1 triệu đồng, tuy nhiên để có được một con diều sáo lại mất rất nhiều công đoạn, bởi làm diều phải vào rừng chọn những cây tre già, chẻ thành từng thanh, sau đó đem hơ lửa, uốn những thanh tre theo chiều cong để làm bộ khung cho diều, rồi lại phải ra chợ mua bộ sáo trúc, vải dù và dây cước…

Xuân Hải