Bảo tàng văn hóa biển, sao không?

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:57, 18/03/2016

BT- Hai năm trước, trên Báo Bình Thuận cuối tuần, chúng tôi đặt vấn đề xây dựng bảo tàng văn hóa biển nhằm phát triển du lịch Bình Thuận. Ý tưởng này nảy sinh sau khi chúng tôi thăm bảo tàng sáp của Singapore và tìm thấy ở đó cả một lịch sử phát triển của Đảo Quốc, cũng như  thấy ở đó sự thích thú tìm hiểu của nhiều du khách. Bình Thuận là xứ biển, mà biển và con người xứ biển thì có vô vàn điều để nói, để kể với thế hệ sau và những người từ nơi khác đến. Tôi chắc rằng, chỉ cần một không gian thu nhỏ trong bảo tàng văn hóa biển, trưng bày và giới thiệu về nghề đan thuyền thúng, cách chèo thuyền thúng (có minh họa bằng video) thì đừng lo  không có người  xem, tìm hiểu. Hoặc, giới thiệu về chiếc ghe bầu và sự phát triển của tàu thuyền hiện nay… thì cũng chẳng lo bảo tàng vắng khách.

Gần đây trên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi tìm thấy ý tưởng tương đồng, khi trong một bài báo, có người nêu vấn đề về bảo tàng nghề cá. Theo đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu manh nha ý tưởng xây dựng một bảo tàng nghề cá tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Bảo tàng sẽ có không gian trưng bày về nghề biển, đặc sản biển, quá trình phát triển nghề biển của Bà Rịa – Vũng Tàu. Bài báo trên cũng nhắc đến chuyện nước Nhật xây dựng 2 bảo tàng mì ăn liền ở Ikeda  và Yokohama, vinh danh ông Momofuku Ando - cha đẻ của món mì… để qua đó khẳng định: Xây dựng bảo tàng nghề cá là ý tưởng đúng đắn.

Trở lại với Bình Thuận, chúng tôi nghĩ: Để phát triển du lịch thì cùng với việc khai thác tốt những gì đã và đang có, cần tìm kiếm, xây dựng những điểm, mô hình mới. Có những ý tưởng thoạt đầu bình thường, nhưng qua tay những bậc thầy về triển khai ý tưởng thì mang lại những lợi ích không nhỏ.

Chúng tôi muốn nhắc lại: Bình Thuận nên có Bảo tàng văn hóa biển!

H.LUẬN