NGUYỄN THÔNG VÀ BÌNH THUẬN

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:54, 11/03/2016

Kỳ 2:  Khai khẩn đồn điền và lập “Đồng Châu Xã"

BT- Cuối năm 1867 khi đang thám hiểm vùng phía Tây Bình Thuận thì Nguyễn Thông nhận được thông báo của triều đình vào ngay Khánh Hòa nhậm chức Án sát, chức quan sau Tuần vũ đầu tỉnh trông coi việc hình, tức cơ quan tư pháp thời phong kiến. Từ đó đến năm 1872, Nguyễn Thông lần lượt được triều đình Huế bổ nhiệm chức Biện lý bộ hình, sau đó nhậm chức Bố chánh trông coi việc thuế khóa, tài chính tại tỉnh Quảng Ngãi. Do vậy, trong khoảng thời gian 1867 - 1872 Nguyễn Thông vắng mặt ở Bình Thuận.

                
Thắng cảnh Bàu Trắng ngày nay (tức Bạch Hồ    xưa).

Năm 1871, khi đương chức Bố chánh ở Quảng Ngãi, Nguyễn Thông bị bọn quan quyền  tại đây thù ghét vu khống đủ điều để bị triều đình Huế cách chức, giam giữ và xử trượng. Nhưng sau đó người dân Quảng Ngãi đệ đơn lên triều đình tố cáo việc Nguyễn Thông bị chèn ép. Đến năm 1872 ông mới được giải oan. Chán ngán cảnh quan trường và một phần do bệnh lao phổi, nên đầu năm 1873 Nguyễn Thông đã quyết định xin về Bình Thuận để nghỉ ngơi.

Chốn bình yên

Vốn am hiểu về Bình Thuận nên Nguyễn Thông chọn vùng đất vừa được khai phá nằm ở phía Nam chân núi Tà Dôn mang tên Sa Ra thuộc làng Vĩnh Hòa, phủ Hàm Thuận (nay thuộc xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc) làm nơi định cư để thuận tiện lui tới tỉnh đường Bình Thuận đóng tại làng Xuân Hội, huyện Hòa Đa (nay là thị trấn Chợ Lầu, Bắc Bình).

Ông cho dựng ngôi nhà trong một cánh rừng già rậm mát, nằm sau một dải cát dài, có mạch nước nhỉ chảy ra quanh năm, cảnh vật 4 mùa xanh tươi. Ngôi nhà gọi là "Trại núi" này làm bằng gỗ găng rất chắc, mối mọt không làm hư được. Sau này vào khoảng năm 1881, toàn bộ cột kèo, cây ván của ngôi nhà được chuyển về dựng lại tại miếng đất ở  làng Thành Đức, Phan Thiết và trở thành nhà từ đường của họ Nguyễn (nằm trong khu di tích Dục Thanh ngày nay). Thời gian sống tại Sa Ra, nhà thơ Nguyễn Thông để lại cho đời sau nhiều vần thơ tuyệt tác nói về vùng đất có cả ruộng, rừng, sông, núi này: “Sổ gian hà cái lãm thu thủy/Bán tháp tùng phong ngọa thúy vi”, tạm dịch: “Vài gian lợp lá sen trông xuống nước mùa thu/Nửa chừng tựa gốc tùng, nằm hứng gió núi biếc”. Hoặc: “Ở đó tai thường nghe chim hót/Mắt thấy nhiều cảnh hoa nở khắp nơi” (bài Kiết lư  - Làm nhà lá).

                
Bìa sách "Ngọa du sào văn tập" của Nguyễn    Thông.

Năm Giáp Tuất 1874, khi sức khỏe dần hồi phục, với đam mê tìm hiểu, khám phá Nguyễn Thông  từ Sa Ra (Vĩnh Hòa) nhờ người  địa phương dẫn đường, vượt đồi cát chập chùng tìm đến một cái hồ nước tuyệt đẹp mang tên Bạch Hồ nằm ở phía Tây Nam huyện Hòa Đa (ngày nay gọi là  Bàu Trắng, xã Hòa Thắng, Bắc Bình). Trước  vẻ đẹp  Bạch Hồ, Nguyễn Thông đã  ở lại đây nhiều ngày. Và trong một đêm ngồi thuyền nan thả trôi trên mặt hồ nhà thơ viết bài “Bạch Hồ nhàn hành”: Đáng yêu nhất là đêm đến, trăng mới mọc/Ngồi thuyền nan thổi sáo, khỏa bóng trăng chập chờn trên mặt nước.

Từ Bạch Hồ, Nguyễn Thông  vượt qua những bãi cát dài ra đến bờ biển: “Đi đi trên đê cát/Núi xa nhìn thấy thấp/Đến chốn vắng người tới/Tiếng chim kêu bỗng nghe/Trăng hồ ánh thấu bể/Hoa núi chiếu xuống khe” (bài Quá Bình Nhân sa mạc - Đi qua bãi cát Bình Nhơn).

Xin khai khẩn đồn điền

Nhưng thời gian tịnh dưỡng nghỉ ngơi tại Bình Thuận của Nguyễn Thông chỉ được 3 năm. Năm 1876, ông  phải trở ra Huế nhậm chức Tư nghiệp Quốc tử giám và biên soạn bộ "Khâm định Việt sử Thông giám cương mục" và "Việt sử Cương giám khảo lược".

Đến tháng 2 năm 1877, Nguyễn Thông nhận được dụ của vua trong đó nêu rõ: "Tư nghiệp Nguyễn Thông trước đây có xin đi khai khẩn đồn điền tại vùng tỉnh Bình Thuận, tin rằng địa thế của vùng đó đã am hiểu hết. Nay cho được nhận Hàm Thị giảng học sĩ, sung chức Dinh điền sứ của tỉnh đó. Lập tức đến hội họp với viên tuần phủ nơi đó là Trương Gia Hội cùng khảo sát kỹ càng, vẽ bản đồ tâu lên chờ phê chuẩn…".

Ngày 25/3/1877, Nguyễn Thông từ Huế về đến Bình Thuận gặp Tuần phủ Trương Gia Hội để bàn bạc định ngày hội khám (đi khảo sát). Do vùng đất phía Tây Bình Thuận giáp với tỉnh Biên Hòa (bao gồm cả  Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước ngày nay) là đất  triều đình đã nhượng cho Pháp, vị trí ranh giới giữa Biên Hòa và Bình Thuận cũng chưa xác lập rõ ràng nên khi nghe triều đình cử người đi hội khám để lập đồn điền, viên thống soái Pháp lập tức gởi thư cho Trương Gia Hội tỏ ý trách cứ và không đồng ý. Nguyễn Thông  báo về triều đình sự việc và sau đó được nhà vua điểm son lệnh cho Nguyễn Văn Tường giao cho Nguyễn Thông một tấm bản đồ vẽ địa giới tỉnh Bình Thuận với Lục tỉnh do người Pháp vẽ, ghi chữ Pháp để làm cứ liệu đối chiếu.

Ngày 6/5/1877, Trương Gia Hội đem ấn "Tuần phủ quan phòng" bàn giao cho Bố chánh Hồ Đăng Doanh và Án sát Đặng Văn Duy tạm quyền trông nom và cùng với Nguyễn Thông và đoàn tùy tùng gồm 45 người, trong đó có 40 người theo hầu Trương Gia Hội, 15 người hầu Nguyễn Thông khởi hành vào sáng ngày 11/5/1877 từ phía Đông Bắc của phủ Hàm Thuận đi về phía Tây Bình Thuận.

Trong bài "Nghĩ thỉnh đồn khẩn sự nghi sớ" (Sớ xin khai khẩn đồn điền) trong "Ngọa du sào văn tập" Nguyễn Thông đã viết lại chuyến khảo sát của mình ở vùng miền núi phía Tây Bình Thuận kéo dài gần 1 tháng (từ 11/5/1877 - 8/6/1877 ).

Giữa mùa mưa gió, vậy mà trên vùng rừng núi hiểm trở này, từ núi Lão Nhân (núi Ông) đến núi Kỳ Tôn (núi Cà Tong) qua Tính Linh (Tánh Linh) rồi Lạc Hải (Biển Lạc), Vũ Xu (Võ Xu), Vũ Đạt (Võ Đắc), My Phu (Mê Pu),… đâu đâu cũng có bước chân của Nguyễn Thông đặt tới.  Ông tả rõ Lạc Hải (Biển Lạc): "Vốn là một đầm lớn, mùa hạ, mùa thu mưa nhiều, các khe suối từ thượng nguồn đổ xuống, thế nước tràn trề, sinh vật đầy rẫy. Đầu xuân nước cạn, dân cư chọn cá tươi mà nấu, đến tháng tư mưa xuống mới thôi. Thật là một kho vô tận nuôi sống dân địa phương".

Sau khi hội khám, Nguyễn Thông đã lên kế hoạch khẩn hoang lập ấp vùng La Ngư - Bà Dần (Đức Linh - Tánh Linh ngày nay): "Thần đã vâng mệnh khám xét vùng La Ngư - Bà Dần, địa thế cao ráo, bằng phẳng, ruộng đất màu mỡ, có thể xây cất nha sở, đồn khẩn. Nếu được chuẩn sẽ cất một thị trường gần Trà Nông phía trên La Ngư để buôn bán. Ngoài ra các vùng Chu Lư, Ba Kế thì kén lính tới làm ruộng".

Nguyễn Thông cũng rất chu đáo phác họa cả nơi lập kho chứa tại La Di và vạch ra đường xe chuyên chở hàng hóa từ Tánh Linh về đến La Di để sau vài năm khai khẩn đồn điền, thu hoạch được lúa thì vận chuyển mới thuận lợi. Ông cũng thiết kế cả bưu trạm để vận chuyển công văn, phương án bổ nhiệm quan chức trông coi, quản lý các vùng này. Về đường thủy, Nguyễn Thông cũng tính toán chi ly: "Cửa sông La Di (nơi có kho chứa tạm) rộng 23 trượng, sâu 3 thước… thuyền của dân nặng 200 - 300 phương  vẫn ra vào dễ dàng… Thuyền đi từ cửa sông La Di từ sáng ra khơi, thuận gió thì giờ Ngọ hoặc giờ Mùi đến cửa sông Phan Thiết, phủ Hàm Thuận".

Thế nhưng sau chuyến khảo sát vất vả này, đề nghị khẩn thiết của Nguyễn Thông xin sớm khai hoang vùng đất mới để "tận dụng nguồn lợi đất đai, làm phong phú cuộc sống của dân" không thực hiện được vì sau đó ông nhận được lệnh của triều đình buộc phải dừng mọi việc đồn điền do vấp phải sự phản kháng của chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam kỳ.

Lập "Đồng Châu Xã"

Năm 1877, Nguyễn Thông được cử giữ chức Bố chánh Bình Thuận. Ông được người dân Bình Thuận gọi bằng cái tên triều mến "Ông Bố" do liêm khiết và gần gũi với mọi người.

Giai đoạn này người dân từ Nam kỳ kéo ra Bình Thuận khá đông để "tỵ địa" và di cư đến miền núi của Bình Thuận để khai hoang lập đất, lập làng sinh sống. Do những người dân Lục tỉnh này vốn  có tư tưởng không chấp nhận áp bức, nên họ đã tổ chức đấu tranh với chính quyền địa phương về những luật lệ mà họ cho là hà khắc. Sự việc căng thẳng đến mức quan Tuần phủ đầu tỉnh cũng không xử lý được. Duy chỉ có Nguyễn Thông là có đủ uy tín để thuyết phục, vận động bà con.

Để giải quyết những vấn đề của người dân "tỵ địa", lại là người đồng hương Nam kỳ, Nguyễn Thông  xin phép quan Tuần phủ cho lập "Đồng Châu Xã" và phân thành 4 khu đặt tên là: Thanh Sơn, Lục Dã, Hà Gian, Liên Trì. Mỗi khu đều cử người đứng đầu trong coi việc chung. Hiện nay chúng tôi chưa xác định rõ địa điểm của 4 khu vực này ngày nay ở đâu nhưng dự đoán có thể tại địa phận làng Vĩnh Hòa thuộc phủ Hàm Thuận (nay là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) nơi Nguyễn Thông sinh sống.

Từ khi có Đồng Châu xã dân "tỵ địa" mới được ổn định cuộc sống. Bởi vậy trong bài Ký về đền Ngụ hiền, ông đã viết "Người Nam kỳ lỡ bước, bơ vơ, không nơi nương tựa không có Nguyễn Thông giúp thì họ sẽ phải cực khổ".

Một số tư liệu để lại cho thấy ngoài việc ổn định cuộc sống, Đồng Châu xã còn hoạt động mang tính chính trị. Người Pháp  gọi Đồng Châu xã là "hệ phái Đồng Châu" do "Vo Chanh Tong" chỉ huy (phiên âm sai của người Pháp chữ Bố Chánh Thông). Một số trường hợp người dân của Đồng Châu xã bị Pháp theo dõi và bắt bớ như chiếc ghe bầu chở 31 người vào Gò Công có mang theo dao búa, có người bị Pháp đưa ra Côn Đảo. Chính quyền Pháp còn tố cáo Đồng Châu xã phái người từ Bình Thuận vào Bà Rịa hoạt động do thám, có khi giả bán cao đơn hoàn tán để mang theo các tờ hịch kêu gọi chống Pháp cùng các tài liệu quân sự vào tận Vĩnh Long, hoặc có lúc tuyển mộ 60 nghĩa quân ở Mỹ Tho, Trà Vinh, Cần Thơ…

Lê Huân

Kỳ tới: Ngọa Du Sào và những ngày cuối đời ở Bình Thuận