Lê Nguyên Ngữ - “Quán chiều phố huyện sao thương thế"

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:05, 15/04/2016

BT - "Có dòng sông chảy mãi chẳng gặp cầu

Để nước dỗi đôi bờ chao mặt sóng

Về Phan Thiết, Cà Ty lòng chẳng rộng

Lại nối bờ vui mấy chiếc cầu!

 

Chẳng phải vô tình chia Phan Thiết ra đâu

Bởi sóng vỗ ngoài kia mời mọc quá!

Khao khát biển vội chồm qua thị xã

Nên cầu hóa thành lời xin lỗi của sông

 

Để hai bờ chín đợi, mười mong

Dù tầm gọi chỉ "Đò ơi...!" chớ mấy

Đứng bên này thấy bên kia tay vẫy

Nhưng sông vẫn trềnh tràng mời mọc chuyến đò ngang

...

Ba chiếc cầu vạch mấy trường canh

Chảy dòng nhạc Cà Ty bờ bến hát

Cho mỗi câu thơ tôi viết về Phan Thiết

Là nhịp cầu hò hẹn để em sang".

Những câu thơ trên được trích trong bài thơ "Phan Thiết Cà Ty chảy gặp cầu" của Lê Nguyên Ngữ. Bài thơ ra đời vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Khi bài thơ vừa ra đời chưa kịp ráo mực của tác giả, lúc bấy giờ, ở Phan Thiết có một vài người tỏ ra là người có "lập trường - quan điểm" đã cắt nhỏ bài thơ ra lấy một câu "bởi sóng vỗ ngoài kia mời mọc quá", rồi lớn lối "chụp mũ" cho Lê Nguyên Ngữ làm thơ cổ động người vượt biển trốn ra nước ngoài!? Thật là buồn cười! Mặc cho những người "ấm đầu" chụp mũ, đến hôm nay đã hơn 30 năm, "Phan Thiết Cà Ty chảy gặp cầu" vẫn neo đậu trong lòng người yêu thơ và những người yêu Phan Thiết thân yêu - trở thành một trong những bài thơ hay viết về phố biển Phan Thiết.

Kể từ khi bài thơ "Phan Thiết Cà Ty chảy gặp cầu" ghi dấu ấn trong lòng người yêu thơ, Lê Nguyên Ngữ bắt đầu chuyển sang viết truyện ngắn. Truyện ngắn của Lê Nguyên Ngữ thường xuyên xuất hiện trên các báo và tạp chí văn nghệ trên cả nước, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Riêng thơ, mãi đến năm 2012, nhà xuất bản Văn học mới in và phát hành tập thơ Lê Nguyên Ngữ.

Qua theo dõi các sáng tác văn chương của Lê Nguyên Ngữ, chúng tôi thiển nghĩ: Mai này, có lẽ bạn đọc sẽ quên một "Lê Nguyên Ngữ truyện ngắn". Dù số lượng truyện ngắn được xuất bản và đạt giải thưởng của anh thật nhiều. Nhưng người yêu văn chương sẽ nhớ đến thơ của Lê Nguyên Ngữ.

Từ năm 1974, thơ của Lê Nguyên Ngữ đã xuất hiện trên Thời Tập, Khởi Hành... các tạp chí văn học ở miền Nam. Lê Nguyên Ngữ tên thật là Lê Văn Tám. Anh sinh ra và lớn lên ở Sa Ra, một làng quê nghèo thuộc huyện Hàm Thuận Bắc. Lê Nguyên Ngữ đã đưa "gió" của miền cực Nam Trung bộ vào thơ. Bài thơ "Trở bấc" của Lê Nguyên Ngữ xuất hiện trên Tạp chí Thời Tập từ năm 1974 đã thể hiện điều này:

"Có phải bấc đã xoay chiều

Vào những cửa nhà không cánh của quê ta?

Gió thổi sắt se trên cánh đồng

như lùng tìm mùi lúa mới

Hương cốm cũ theo về phảng phất

Có phải gió bấc đang nôn nao nỗi khát thèm

Viền đường bay áo mới

Ngọn cỏ vàng đong đưa vô tình

Rung nỗi bơ vơ lên khung trời xám nhạt bao la

Dưới cầu ao xưa

Lũ bèo cũng đang khát thèm

Âm khua rổ rá

 

Có phải gió bấc bây giờ

Đang ruổi rong bằng vó ngựa bất kham

Và rượt đuổi mùa đông

Khắp ngõ hẻm hang cùng

Ôi quê ta

Kỷ niệm nào đang run trong mùa đông rét ngọt

Bên hàng cây ngọn gẫy rất vô tình

 

Cơn bấc nào đã lì lợm tìm về

Trên quê ta, quê ta

Bằng đôi cánh lạnh lùng

Bấc làm người lạ mặt giữa quê ta".

 

Lê Nguyên Ngữ có những bài thơ đầy cảm xúc, chứa chan tình cảm. "Quán chiều phố huyện" là tuyệt chiêu của Lê Nguyên Ngữ:

"Buổi chiều phố huyện sao thương thế

Một chút mưa bay, một chút buồn

Áo nhỏ em về nghiêng chút Huế

Để bài thơ nón ướt mưa vương!

 

Ta khách qua đường, dân tứ xứ

Quán nghèo kinh tế mái tranh xiêu

Nâng ly khôn ấm hồn cô lữ

Bởi mắt em còn lạnh hơn chiều

 

Vốn dĩ đời thường cơm áo bạc

Nên xui thân gái má phai hồng

Một ra đi đã là một khác

Quê cũ chừ thương cách mấy sông!

 

Ấy bởi đời mình men rượu đắng

Nên thương trăm họ thích phiêu bồng

Đời ta bến bãi, em hàng quán

Thiên hạ là nhà, có biết không?

 

Ngồi lại bên chiều kinh tế mới

Quán nghèo, bếp lửa, khói trung du...

Uống lên ly rượu mưa hiên tạt

Một nửa men chiều, một nửa thu"

(1991)

Thế mới biết: Tài hoa và tấm lòng của người viết sẽ tạo được những tác phẩm hay, đẹp trong cuộc đời.

Những hình ảnh hiện thực, trần trụi trong cuộc sống đời thường, Lê Nguyên Ngữ đã đưa vào thơ, lòng người đọc chùng xuống khi đọc thơ anh:

"Em mười lăm tuổi trên đường phố

Tóc vàng nắng hạ, áo mơ phai

Bàn tay còn phất thơm mùi vở

Áo trắng thôi bay giữa chợ đời!

 

Áo trắng thôi đành như kỷ niệm

Đồng tiền - bát gạo vốn song song

Bàn giao sách vở đàn em nhỏ

Thay chị mà theo chuyện học hành

 

Vé số tròn xoe hàng chữ số

Em mang hy vọng đến bao người

Trang vở ngày nào giờ lại ghé

Ghi đầy trên đấy những niềm vui

 

Lưu bút ngày xanh dần cũng xé

Đem ghi bạc lẻ, tính hoa hồng

Áo cơm đâu phải trò con trẻ

Mà dạt đời em... chợ tới sông!

 

Chiều nao em bán qua trường cũ

Sân, lớp ngày xưa luống ngậm ngùi

Trường học, trường đời chia mấy ngã?

Trăng rằm thoắt đó đã xa xôi...!

                                (Bài thơ Trăng rằm thoắt đó - 1989)

"Đâu biết xuân này ta gặp bạn, Phan Thiết buổi về, Tôi về Phan Rí đi xe ngựa, Mưa chiều tháp cổ, Mùa xuân uống rượu với người chăn dê, Giao thừa..." là những bài thơ hay, ghi dấu đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác thơ của Lê Nguyên Ngữ.

Sau nhà thơ Vũ Anh Khanh, Hoài Khanh... những người đi trước, kể từ năm 1975 đến nay, qua thơ chúng ta nhận thấy: Lê Nguyên Ngữ đã cùng với Nguyễn Bắc Sơn, Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Như Mây và Đỗ Quang Vinh hợp thành "ngũ nhạc - hoa sơn" trên bầu trời thơ Bình Thuận.

Lê Ngọc Trác