Mùa ốc ruốc…

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 14:31, 07/04/2016

BT - Vỏ chỉ bằng chiếc cúc áo, nhiều màu sắc và ruột thì cỡ… nửa que tăm, nhưng từ lâu, ốc ruốc đã trở thành món ăn dân dã quen thuộc của người dân xứ biển.

Dọc bờ biển phường Mũi Né (TP. Phan Thiết) mỗi ngày đều có từng tốp khoảng 5 – 7 người dầm mình, dúi que cào xuống nước để kiếm ruốc. Dụng cụ cào ốc ruốc được người dân chế biến khá đơn giản bằng tre và lưỡi cào bằng sắt phía sau là lưới, giống hệt như chiếc cào hến, cào nghêu. Thông thường, những người cào ốc phải ngâm mình dưới nước ở mức trên đầu gối, có chỗ sâu tới lưng quần, hoặc ngực và rà lưỡi cào từ trái sang phải. Theo người dân, mùa ốc ruốc ở khu vực này chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 5 âm lịch, những tháng còn lại phải khai thác các vùng biển khác. Vào mùa cao điểm, sau những nhát cào, nhát nào thưa cũng được vài ba ký. Trung bình mỗi người có thể cào được khoảng 30 – 70 kg/buổi. Gặp bà Năm năm nay cũng ngoài 60 tuổi đang ngồi đãi ốc ruốc trên bờ sau nhiều giờ ngâm mình dưới nước. Bà cho biết: “Cào ốc ruốc là công việc của đàn ông, thanh niên có sức khỏe vì phải ngâm mình ở biển trong nhiều giờ liền. Nghề này phụ thuộc vào con nước. Thường nửa tháng đầu âm lịch, con nước cạn sớm; nửa tháng sau thì con nước cạn trễ hơn, có khi nửa khuya về sáng nên thời gian cào không ổn định. Hôm nào hên thì được 4 bao cũng có hôm chỉ được 1 bao. Vì vậy, nghề này vừa cực lại vừa rất bấp bênh. Tôi có tật ở chân, lại lớn tuổi nên cào ít lắm, đủ sống qua ngày thôi”. Cũng theo bác Năm, ốc ruốc sinh sản nhiều sau dịp Tết Nguyên đán, sau đó thưa dần. Vào mùa cao điểm, ốc tụ lại từng đám, lúc nổi dật dờ theo sóng biển ven bờ hay nằm dày đặc ngay trên bờ biển.

         
   

         

            Ngoài 60 tuổi, nhưng hàng ngày người đàn ông này vẫn cào ruốc.

Cùng với bà Năm, cũng có vài phụ nữ đang ngồi đãi ốc ruốc. Họ cho biết, sau khi đãi ốc ruốc để lọc bỏ vỏ sò, ốc trộn lẫn cát, họ phải ngâm ốc ruốc bằng nước biển trong khoảng 6 tiếng cho nhả hết cát. Sau đó chà đi chà lại nhiều lần, rửa bằng nước sạch rồi luộc cùng một ít muối, bột ngọt. Ốc được luộc trong khoảng nửa tiếng rồi cho vào túi ni lông và bỏ vào thùng xốp để giữ nóng. Gia đình chị Thanh (Mũi Né) cũng bám vào nghề này sống qua ngày. Sau khi luộc xong, chị bán sỉ cho một số người để họ đi bán tại các chợ, còn một ít chị bán tại nhà. Theo chị Thanh, nếu bán tươi thì có giá 5.000 – 7.000 đồng/kg, còn sau khi chế biến bán với giá 9.000 – 12.000/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày chị kiếm khoảng vài trăm nghìn đồng. Mùa ốc ruốc cũng giúp gia đình chị cải thiện đời sống.

Ốc ruốc không có mùi tanh mà có vị mặn xen lẫn vị ngọt và mùi thơm rất riêng. Phần ngon nhất của ốc ruốc nằm ở đuôi. Thông thường, ăn ốc ruốc phải dùng gai của cây chanh, cây bòng vì nếu dùng tăm hay kim thì khó lể (khêu) được cả con ốc ra khỏi vỏ. So với nhiều loại ốc khác, ốc ruốc làm người ăn dễ ghiền, vì càng ăn càng béo. Và những cô, những chị xứ biển lể ốc rất sành, vừa hàn huyên vừa lể ốc thoăn thoắt thì không gì thú bằng.

Sức hút của ốc ruốc rất lạ, có lẽ một phần nhờ hương thơm dịu từ những cái gai chanh, gai bưởi hòa cùng với mùi vị đặc trưng của ốc biển nên mới làm món ăn dân dã này tồn tại trong lòng người dân quê cho đến bây giờ.

M.Vân