Ra vạn An Thạnh xem lễ hội nghinh thần
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:14, 01/04/2016
Vạn An Thạnh |
Trước khi diễn ra lễ hội rước ông Sanh (thần Nam Hải còn sống ở biển), người Liên chi trưởng của hội vạn mời tất cả ngư dân của xã Tam Thanh cùng về vạn An Thạnh. Tùy theo mỗi năm mà lễ hội diễn ra vào tối 15 hay sáng 16/10 (âm lịch).
Tham gia lễ, người có chức sắc và trưởng lão trong làng đội khăn đóng áo dài đen (màu tượng trưng cho hành Thủy - NV). Sau khi tập trung đông đủ, theo sự hướng dẫn của người chủ sự, mọi người cùng ra bờ biển Mỹ Khê. Đây là địa điểm diễn ra lễ thỉnh ông Sanh. Chủ trì lễ có 3 người đại diện gồm: một chánh chủ và hai học trò. Tất cả ba ông đều quỳ, hướng mặt ra biển. Hai học trò quỳ hướng đông – tây, chánh chủ quỳ giữa. Bàn thờ thỉnh ông Sanh quay vô đất liền, trên bàn thờ có thần vị ghi: “Cung thỉnh ngũ phương Nam Hải dương trung cự tộc Ngọc lân thủy tướng nhị thập nhất hiệu chi sanh Thần”. Bài thần vị do thầy của hội vạn An Thạnh soạn thảo. Trước khi chắp bút viết thần vị, thầy phải chay tịnh trong 15 ngày để bảo đảm thân trong sạch. Ngoài thần vị, trên bàn thờ còn có mâm trầu cau. Theo ý nghĩa trong bát quái, trầu được têm 8 đôi và đặt 8 hướng. Khay trầu là đồ chuyên dùng cho việc cúng tế trong vạn. Bên cạnh trầu cau là nhang đèn và rượu trắng. Rượu gồm 1 xị và 5 chung. Trên bàn thờ, 5 chung rượu đặt theo phương vị: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Sau khi kiểm tra lễ vật cúng tế đâu vào đó, lễ mới chính thức tiến hành.
Bắt đầu lễ thỉnh ông Sanh, học trò (người giúp việc) xướng: “Khởi chinh cổ”. Lập tức dàn nhạc nổi chiêng 3 hồi 7 tiếng. Cùng với chiêng là 3 hồi 7 tiếng trống. Học trò tiếp tục xướng: “Khởi nhạc xanh”. Liền theo đó là nhạc xanh đánh 3 hồi, 7 chặp. Phục vụ lễ hội nghinh thần Nam Hải, dàn nhạc gồm có: kèn, trống, đờn cò, mõ sừng trâu, chiêng, chập chã. Sau khi nhạc dứt, học trò xướng: “Chánh chủ tựu vị nghệ sanh thần vi tiền”. Nghe tiếng xướng, chánh chủ vô bàn (thờ) vọng bái. Bái xong lại xướng “Quỳ phần hương”, tức thì người hầu rượu đốt 3 nén nhang (tượng trưng cho thiên, địa, nhân- tam tài-NV) kính dâng lên ông chủ. Thay mặt ngư dân trong vạn An Thạnh, ông chủ chắp nhang niệm: “Mời chư vị Sanh thần về chứng giám lòng thành của ngư dân và phù hộ dân chúng bình an, được mùa”. Niệm xong, ông chủ đưa 3 nén nhang cho người hầu rượu cắm vào lư hương. Động tác đó gọi là thượng hương. Sau lễ dâng hương, học trò lại xướng: “Phủ phục hưng bình thân, nghinh Sanh thần cúc cung bái”. Nghe câu xướng, ông chủ quỳ bái và lạy 4 lạy. Bái, lạy xong đến phần châm rượu theo câu xướng: “Sơ hiến lễ chiết tửu”. Bấy giờ người hầu rượu châm vào 5 chung, mỗi chung một ít rượu. Lễ dâng rượu xong, học trò tiếp tục xướng: “Phủ phục hưng bình thân”. Sau câu xướng, ông chủ đứng dậy lạy 2 bái (hưng bái). Học trò đứng bên tây xướng: “Quỳ chuyển chúc”, học trò đứng bên đông lập tức quỳ dâng giá văn cho ông chủ. Nội dung văn nghinh Ông mỗi năm một khác, đại ý khấn vái mời chư vị thần Sanh về vạn kính tế. Nâng giá văn cao ngang mày, ông chủ lạy một lạy, say đó chuyển cho học trò phía tây đọc. Vì nội dung giá văn viết bằng chữ Nho nên có khi học trò không đọc được. Trong trường hợp này ông chánh chủ phải quỳ đọc. Đọc văn xong lại lạy hai bái và xướng: “Á hiến lễ chiết tửu phân hiến”. Học trò theo đó châm rượu lần thứ 2 vào 5 chung. Châm rượu xong, ông chủ lại lạy 2 lạy, lại xướng: “Chung hiến lễ chiết tửu phân hiến”. Học trò châm rượu lần cuối xong, ông chánh chủ quỳ lạy 2 lạy (cúc cung bái) rồi đứng dậy (phục vị).
Đến đây, phần lễ tạm dừng, nhường chỗ cho phần hội. Hội là gánh chèo bá trạo (trăm tay chèo). Trong gánh chèo có bộ múa tứ linh (long, li, quy, phụng). Bài chèo kể công đức của ngài (ông Sanh - thần Nam Hải) đã giúp dân chài trong khi gặp nạn giữa trùng khơi sóng gió; quá trình đưa ngài về lăng (vạn) thờ cúng. Bài hát chấm dứt cũng là phần hội kết thúc để nhường cho phần lễ tiếp tục.
Bấy giờ, ông chủ trở lại quỳ trước bàn thờ xướng: “Ẩm phước”. Học trò bưng rượu dâng, ông chủ nâng chung rượu ngang mày và vái 3 vái. Học trò xướng: “Thọ huệ”, ông chủ đem rượu xuống khỏi bàn thờ rồi lạy 2 lạy. Tiếp đến là phần đốt văn nghinh Ông. Để đốt văn, chủ và học trò đều quỳ lạy 4 lạy. Sau đó đứng lên xướng: “Nghệ phụng Sanh thần hồi lăng sở tế”. Đến đây xem như kết thúc lễ nghinh ông Sanh ở bờ biển. Tiếp đó, đoàn làm lễ về lại vạn An Thạnh để thực hiện lễ kỵ Cố.
Trên đường trở về vạn, gồm 300 người mang cờ ngũ hành đi trước, theo sau là gánh múa tứ linh, gánh chèo bá trạo vừa đi vừa hát. Sau gánh chèo là thầy, chủ, học trò và bàn thờ ông Sanh. Bàn thờ có 4 người khiêng, hai lọng che bàn thờ, quân sĩ mang siêu, kiếm để hầu ngài. Đi sau bàn thờ là trưởng lão và ngư dân. Đoàn đi tới đâu, dân đi theo tới đó, huyên náo cả một vùng.
Tại vạn có ban trống chờ đón đoàn nghinh ông Sanh. Thoáng thầy đoàn tới đầu vạn, chiêng trống nổi lên rộn ràng. Ban lễ ở vạn có 1 thầy, 3 chủ, 2 học trò, 2 ông chinh cổ. Chinh cổ mặc áo rộng màu xanh, viền vàng ở cổ và tay áo; mão có gương tròn ở trước và sau, hai dây tua dài xuống tới lưng trông rất đẹp. Đoàn vào vạn kính cáo với ông Cố (thần cựu) rằng đã thỉnh ông Sanh về, gọi là an vị. Nghi thức an vị được học trò xướng: “Tựu vị nghệ thần vi tiền”. Lúc bấy giờ 3 ông chủ quỳ ở 3 bàn (trong vạn có 3 bàn thờ) và lạy 4 lạy… Sau những nghi thức cúng bái và chiết rượu như xong phần an vị của ông Sanh.
Tiếp đến là phần lễ ngư, học trò xướng: “Củ soát nghinh (tế) vật”. Theo đó 3 ông chủ kiếm soát các vật phục vụ việc cúng tế. Chủ sự phải là người còn vợ, con cháu đầy đủ. Kế đến, học trò xướng: “Nghinh vật ký thành chấp sự giả các ty kỳ sự” (Ai có việc gì thì làm việc nấy cho tròn bổ phận). Chiêng, trống, xanh lại nổi lên. Ba ông chủ trước khi bước vào điều hành chính thức buổi lễ phải dùng khăn sạch lau tay, lau mặt.
Nghi thức kỵ Cố giống lễ nghinh ông Sanh, chỉ khác là xướng: “Kham thần cúc cung bái” chứ không xướng: “Nghinh thần cúc cung bái”. Bốn lạy cuối cùng xướng: “Lễ từ cúc cúng bái” chứ không xướng: “Nghệ phụng sanh thần hồi lăng sở tế”. Lễ kỵ ông Cố thần vị ghi: “Nam tế hải linh, cự tộc ngọc lân thủy tướng nương nương tôn thần nguyên tặng trạm trừng trợ tín chi thần gia tặng dực bảo trung hưng uông nhuận trung đẳng thần”. Ngoài việc đọc văn mời ông Cố (lúc này, các mâm cỗ đã được dọn lên bàn thờ), chủ sự còn mời các vị (cá voi) được thờ trong vạn. Kết thúc phần lễ là phần hát bội diễn ra thâu đêm.
NGUYỄN HỮU CÁN