Viết tiếp loạt bài về Nguyễn Thông: Kỳ 1: Bình Thuận với phong trào Duy Tân
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:04, 01/04/2016
![]() |
Những người sáng lập Hội Liên Thành. |
Những người cùng chí hướng
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Phan Hải, thì từ đầu thế kỷ 20 giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước, thì một số nhà trí thức đương thời ở Trung Kỳ như: Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã chủ trương phát động phong trào mở mang dân trí, vận động giáo dục theo tân học, bỏ khoa cử, đồng thời xây dựng, phát triển nền công thương tự lực tự cường để chuẩn bị điều kiện cho dân tộc vươn lên giành độc lập. Phan Chu Trinh và các đồng chí của cụ đích thân đi tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương Duy Tân đó ở khắp ba kỳ. Các cụ đã cùng nhau cáo quan để đi về phía Nam (Nam du) nhằm khảo sát dân tình, bắt mạch tâm nhân sĩ khí.
Trong cuộc Nam du này, các lãnh tụ phong trào cải cách Duy Tân đã dừng chân tại Phan Thiết khá lâu. Tại đây cụ Phan Chu Trinh có dịp gặp lại các bạn học cũ cùng chung chí hướng với mình. Trong số người này có cụ nghè Trương Gia Mô, đỗ tiến sĩ (còn gọi là Nghè Mô ) từng làm quan ở Bộ Công và đã từ quan lui về ẩn dật tại làng Hà Thủy, phủ Hòa Đa, Bình Thuận để mưu việc lớn (xem bài viết về nhân vật này ở những số sau). Giữa cụ Trương Gia Mô với hai người con trai của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh là chỗ thân tình từ trước nên ông Nghè Mô đã giới thiệu nhóm của ông Phan Chu Trinh cho 2 ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh.
Gặp nhau tại nhà thờ cụ Nguyễn Thông, các ông đã tỏ ra rất tâm đắc khi bàn việc dân, việc nước. Hiểu và cảm mến chí khí người con trai cụ Nguyễn Thông, cụ Phan Chu Trinh đã làm bài thơ tặng ông Nguyễn Quý Anh trong đó có câu (tạm dịch ): "Non sông thu đến, gió mây thay đổi/Bể hồ người nhiều ý khí mấy ai".
Cần biết thêm rằng, ngay khi trở thành đất "tỵ địa" của nhiều sĩ phu từ Nam kỳ ra thì Bình Thuận cũng chính là nơi hội tụ các xu hướng yêu nước chống Pháp từ trong Nam ra, từ Trung, Bắc vào. Và chính cái không khí tưởng chừng như tĩnh lặng của Bình Thuận lúc bấy giờ đã tạo điều kiện cho các nhà yêu nước lui tới hoạt động thuận lợi hơn các nơi khác. Trong số các chí sĩ dừng chân ghé qua hoặc ở lại khá lâu có thể kể đến phó bảng Nguyễn Sinh Huy, ông nghè Đặng Nguyên Cẩn…
Rồi khi bị bệnh phải nằm lại Phan Thiết mấy tháng, cụ Phan Chu Trinh đã dành nhiều thời gian bàn bạc với ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh việc tiến hành tạo lập Phan Thiết thành một trung tâm chấn hưng kinh tế, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài.
Không phụ lòng cụ Phan, với ý chí và uy tín của mình, 2 anh em ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh đã vận động được 4 trí thức nho học và Tây học có uy tín nhất tại Bình Thuận lúc bấy giờ là các ông: Nguyễn Hiệt Chi, giáo thọ, thường gọi là Ký Thuận; Hồ Tá Bang quê ở tỉnh Thừa Thiên đang làm ký lục tòa sứ Phan Thiết; Trần Lệ Chất, quê ở Nghệ An, đỗ tú tài Hán học, biết tiếng Pháp, đang làm thông phán tòa sứ Phan Thiết và là thư ký riêng của công sứ Garnier; ông Ngô Văn Nhượng đang làm thừa phái ở tỉnh đường Bình Thuận để tham gia thành lập 3 tổ chức canh tân về văn hóa, kinh tế tại Bình Thuận: Liên Thành thương quán, Liên Thành thư xã, Dục Thanh học hiệu.
![]() |
Cầu Phan Thiết đầu thế kỷ 20. |
Liên Thành thương quán
Năm 1906, Liên Thành thương quán, mà người dân quen gọi là Hội Liên Thành ra đời với mục đích làm cơ sở kinh tài và là nơi liên lạc hợp pháp cho các nhà yêu nước. Ý nghĩa của hai chữ "Liên Thành" theo ông Trần Lệ Chất tức là thành hoa sen vì tỉnh đường Bình Thuận xưa đặt ở quận Hòa Đa có một hồ sen rất lớn tại làng Xuân Hội, phía trên Chợ Lầu. Lấy hai chữ Liên Thành để đặt cho thương quán là ý nghĩa hoài niệm, tồn cổ và cái tâm của người quân tử muốn như hoa sen vươn lên từ bùn lầy trong bối cảnh nước mất nhà tan.
Cơ sở đầu tiên của Hội Liên Thành là làm nước mắm đặt tại khu đất mua lại của gia đình bà Bố Trà, tức Bố chánh Trà Quý Bình thông gia với cụ Nguyễn Thông, ở gần bãi Cồn Chà, phường Đức Thắng, Phan Thiết (nay là số 2 đường Ngư Ông, Phan Thiết). Hai năm sau Hội Liên Thành mua thêm sở nhà của hiệu nhuộm Luân Phong gần cầu Phan Thiết (cầu Lê Hồng Phong ngày nay) để lập trụ sở chính.
Lúc này chợ Phan Thiết còn nằm dưới chân cầu, do trụ sở chính nằm cạnh chợ nên những người quản lý Hội Liên Thành đã cho mở quầy hàng buôn bán tạp hóa, vải lụa, thuốc bắc… để cạnh tranh với người Hoa kiều vốn đang kinh doanh các mặt hàng này rất mạnh.
Ngay từ đầu Hội Liên Thành có nhiều mặt rất tiến bộ như: có điều lệ hẳn hoi, sổ sách kế toán ghi chép rành mạch và phải tường trình cho Công sứ Pháp kiểm tra, việc phân công, phân nhiệm hết sức rõ ràng. Tuy nhiên hoạt động của Hội không được người Pháp ưa nên tìm nhiều cách khống chế. Có lần chính quyền bảo hộ Pháp mở cuộc khám xét đột xuất trụ sở của Hội Liên Thành, tịch thu sổ sách (bằng chữ Hán) và bắt các ông Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi giam giữ nhưng rồi phải trả tự do cho 3 người vì không có chứng cứ rõ ràng về "hoạt động chính trị chống Pháp".
![]() |
Chợ Phan Thiết đầu thế kỷ 20. |
Năm 1910, Hội Liên Thành lập nhiều phân cuộc ở Mũi Né, Hưng Long, Phan Rí… để mua cá và làm nước mắm. Năm 1916 lập phân cuộc ở Hội An với nhiệm vụ dùng ghe bầu vận chuyển gạo, nước mắm ra Bắc Kỳ và chở đường mật, tơ lụa vào Trung Kỳ, Nam Kỳ. Từ năm 1919 đến 1940, nhiều đại lý, chi nhánh của Liên Thành được mở thêm ở các tỉnh Nam Kỳ, Trung Kỳ và tận Phnôm Pênh.
Hội Liên Thành cũng mua thêm một sở nhà bên cạnh trụ sở chính, sửa lại thành khách sạn gồm 4 phòng trệt. Đây là khách sạn đầu tiên dành cho người Việt ở Phan Thiết, ngoài 1 khách sạn phía bên kia cầu Phan Thiết do người Pháp quản lý và chỉ dành cho người Tây.
Khách sạn Liên Thành còn là nơi vãng lai, tạm trú của những người hoạt động chính trị từ các nơi trong nước ghé qua Phan Thiết. Hồ sơ của Liên Thành còn ghi lại tháng 3/1913, một thanh niên trạc 20 tuổi, tên Nguyễn Văn Lạc quê ở Chợ Lớn từ Sài Gòn ra Phan Thiết nghỉ trọ ở khách sạn Liên Thành. Người này khi đi dạo chơi, bị cảnh sát người Pháp tình nghi, theo dõi và chặn bắt tại cầu giữa Phan Thiết. Khi lục soát hành lý để ở khách sạn, bọn Pháp thấy một ấn vàng lớn có khắc chữ "Phan Xích Long hoàng đế", một thanh kiếm và một số kinh kệ đạo Phật. Sau đó cảnh sát Pháp giải người này về khám lớn Sài Gòn. Từ đó khách sạn Liên Thành bị kiểm soát nghiêm ngặt…
Lê Huân
Kỳ tới: Liên Thành thơ xã và Dục Thanh học hiệu