Hướng tới kỷ niệm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5): Vẽ Bác Hồ trong nhà lao Phú Quốc

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:05, 13/05/2016

BT - Theo chỉ dẫn của ông Trương Ngọc Đối, một cựu tù chính trị, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Thế Long, người nhiều lần vẽ Bác Hồ trong nhà lao Phú Quốc thời kỳ 1969 -1972. Tuy đã xấp xỉ 70 tuổi, lại là thương binh nặng (1/4), đi lại khó khăn, nhưng khi hỏi về những ngày ở nhà lao Phú Quốc, ông Long như nhanh nhẹn hẳn lên…

Ông Long nhớ lại, thời kỳ 1969 - 1972, bọn cai ngục nhà lao Phú Quốc tra trấn tù binh chính trị rất dã man, như: Phơi nắng trên dàn thiếc nóng ngoài trời, leo cây nhum đầy gai nhọn, đục răng, đóng đinh vào mắt cá chân, đầu gối… nhưng vẫn không làm nhụt ý chí của những người yêu nước. Phong trào đấu tranh  phản đối sự tra tấn dã man, đòi quyền lợi của các chiến sĩ cách mạng ngày càng lên cao. Ngoài ra, các chiến sĩ cách mạng còn tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong nhà lao, như: Ngày thành lập Đảng, sinh nhật Bác, Quốc khánh 2/9…

         
   

         

            Ông Trần Thế Long - người vẽ Bác Hồ trong nhà lao Phú Quốc.

Tuy nhiên, việc có ảnh Bác trong buổi lễ là vô cùng khó khăn. Là người biết vẽ từ lúc còn nhỏ và từng vẽ ảnh Bác Hồ trước khi bị địch bắt, nên ông Long đề nghị cho mình trực tiếp vẽ ảnh Bác Hồ. Sau một thời gian bí mật chuẩn bị, ông Long đã tìm được giấy vẽ từ các thùng cacton đựng thức ăn, mực vẽ thì lấy từ mật cá nóc, nhờ bạn tù quen biết với bếp ăn mang vào. Bằng trí nhớ của mình, ông Long đã vẽ tương đối chính xác ảnh Bác Hồ. “Nhiều bạn tù đã khóc khi lần đầu tiên nhìn thấy ảnh lãnh tụ của mình”. Những lần tổ chức như như thế, đã tiếp thêm sức mạnh, nhắc nhở nhau giữ khí tiết, kiên định lý tưởng cách mạng, không chịu khuất phục kẻ thù, vượt qua những đớn đau về thể xác, tinh thần, hướng đến ngày toàn thắng của cách mạng. 

 Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc), 16 tuổi (6/1964) ông Trần Thế  Long đã là cơ sở nội thành thị xã Phan Thiết; 17 tuổi là chiến sĩ Đại đội thông tin Quân khu 6. Ở Đại đội thông tin không được trực tiếp cầm súng, ông Long tình nguyện xin vào đơn vị chiến đấu. Trong một trận đánh vào Chi khu Di Linh (Lâm Đồng), một viên đạn đã xuyên qua xương chậu, ông tự băng bó vết thương rồi tìm đường rời khỏi trận địa và ngất xỉu. Khi tỉnh dậy thấy mình đã nằm trong Trạm xá dã chiến của Mỹ - Ngụy.

Mấy tháng chữa trị, vết thương tạm lành, địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn ông, nhưng vẫn không khai thác được điều gì.  Tháng 11/1968, địch đày ông Long ra nhà lao Phú Quốc. Tháng 2/1969, trong một cuộc đấu tranh trực diện phản đối sự tra tấn  của nhà tù, bọn địch đã bắn vào tù binh phản đối. Một viên đạn xuyên qua đỉnh đầu, và ông Long ngất lịm trong vòng tay các bạn tù. Sau lần đó, chúng biệt giam ông Long vào chuồng cọp. Dù bị biệt giam, nhưng ông và các bạn tù vẫn tiếp tục đấu tranh, nhắc nhở nhau giữ khí tiết cách mạng, không chịu khuất phục kẻ thù.

Năm 1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực, ông Long cùng một số tù chính trị được được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Do nhiều lần bị thương nặng, ông Long liệt nửa người, chân tay bên phải teo lại, đi lại khó khăn, trở thành thương binh  1/4. Ông được Nhà nước đưa ra Trại điều dưỡng thương binh nặng, 231 Lập Thạch (Vĩnh Phúc).

Trong những ngày tháng điều dưỡng ở miền Bắc, ông Long  suy nghĩ rất nhiều đến tương lai của mình: Không thể nằm ở trại điều dưỡng mãi được! Phải làm gì để sống có ích cho gia đình và xã hội. Sau bao đêm dằn vặt, làm gì bây giờ khi chân tay bên phải teo lại, đi lại khó khăn, bàn tay trái chỉ còn 4 ngón? Rồi một tia hy vọng sáng lên: Có thể vẽ như hồi ở nhà lao Phú Quốc được chứ? Rồi hàng ngày ông cầm que bằng tay trái tập vẽ lên mặt đất, rồi vẽ lên giấy. Nhiều lần như thế tay trái của ông quen dần và có thể vẽ được. 

Năm 1978, ông viết đơn xin trở về quê hương và mở phòng vẽ ngay tại căn nhà nhỏ của mình trên đường Thủ Khoa Huân, phường Phú Thủy (Phan Thiết). Cũng nhờ những bức vẽ đã giúp gia đình ông vượt qua thời gian khốn khó. Bằng nghị lực và ý chí vươn lên không ngừng, ông Long không những vượt qua khó khăn, mà còn có cuộc sống ổn định, nuôi dạy các con trưởng thành.

Quang Phát