Cải trang tác nghiệp

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:10, 21/06/2016

BT- Nhận được tin nhắn của một người bạn: “Có vụ dân tập trung không cho xe vào bãi đổ rác. Nếu muốn viết bài, đêm nay khoảng 8 giờ vào trong thôn Phước Tiến, xã Tân Phước”. Trước khi đi, tôi đã gọi điện cho một người bạn là phóng viên chuyên nghiệp để được hướng dẫn cách lấy tin sao cho hiệu quả. Sau đó, phải ra sức thuyết phục chồng làm tài xế vì tuy bãi đổ rác chỉ cách nhà khoảng dăm bảy cây số nhưng đi một mình thì không đủ can đảm, vì đường rừng hoang vu và vắng hoe. Chồng không ngại chở chỉ khuyên: “Chuyện của chính quyền, em lại đang bị để ý, dính vào thì rắc rối đấy”. Tôi rất tự tin “anh đừng lo, em đã có cách”.

Đang trên đường đi, người bạn nhắn số điện thoại của ai đó và dặn nếu cần thêm thông tin chị gọi cho người này và nói là CTV củabáo Bình Thuận. Vào đến nơi, thấy rất nhiều người dân đang đứng ngoài đường nhất định không cho xe vào đổ rác, dù họ đang được các cấp chính quyền thuyết phục. Mặc áo ấm trùm đầu, mặt đeo khẩu trang kín mít, tôi đã len lỏi giữa các dòng người để chụp ảnh. Phỏng vấn những người dân để biết tâm tư nguyện vọng của họ, tranh thủ hỏi thêm ý kiến của một số cán bộ ở đấy… và nhanh chóng rời khỏi hiện trường cứ đinh ninh chẳng ai nhìn thấy mình mà không hề biết có hàng trăm cặp mắt đang dõi theo.

Sau khi có đủ hình ảnh, thông tin, tôi viết tin ngay chobáo Bình Thuận. Bài viết mang bút danh và được biên tập ngay hôm đó. Tưởng thế là “bình yên vô sự”, nào ngờ chỉ ít phút sau khi báo lên bài, tôi liên tục nhận được điện thoại của nhiều người, hỏi, chất vấn đủ điều, có người còn lớn tiếng: “Giáo viên thì lo dạy dỗ cho tốt là được rồi. Sao chuyện viết báo của em cứ mang rắc rối đến cho người khác thế?”.

Tự nhiên tôi sợ tiếng chuông điện thoại. Nhưng người ta gọi, không thể không nghe. Vừa nhấn nút ok, đầu dây bên kia giọng cô em họ vốn là cán bộ một phòng ban đã nói liên hồi: “Chị viết gì mà để mọi người nói thế? Giờ thì cả VTV về quay phim, chụp hình, phỏng vấn. Các báo bây giờ đăng bài tùm lum hết. Đó đang là điểm nóng, tránh xa ra, đừng can dự vào…”. Họ quy chụp cho tôi, cứ y như tôi không lên tiếng thì chẳng ai biết mà vào.

Dù gặp bao phiền toái nhưng điều làm tôi vui nhất là thông tin, hình ảnh vụ việc được phản ánh trung thực và gửi về tòa soạn báo sớm nhất. Sau vụ việc này xảy ra, chính quyền địa phương đã có những biện pháp hữu hiệu làm an lòng dân như kéo điện phủ khắp, làm đường ống dẫn nước sạch đến từng nhà và cam kết sẽ di dời bãi rác trong thời gian sớm nhất.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, những cộng tác viên luôn được xem như những “nhà báo công dân” cũng muốn góp thêm một cái nhìn về sự khó khăn, vất vả của người viết báo, nhưng cũng thật tự hào khi bài viết đăng tải và có tác dụng với cơ sở.

 Phan TuyẾt