Tạp chí văn nghệ Bình Thuận: Chất lượng là hàng đầu, nếu muốn có bạn đọc

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:45, 17/06/2016

BT- Hướng tới kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Bình Thuận cuối tuần có cuộc trao đổi với họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ của tỉnh.
                
Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa trao đổi với phóng    viên.

Thưa ông, Hội Văn nghệ tỉnh thành lập cách đây hơn 33 năm (1982), phải chăng 10 năm sau Tạp chí Văn nghệ mới ra đời?

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa: Không phải vậy. Năm 1982 khi Hội Văn nghệ tỉnh Thuận Hải được thành lập, đồng thời Tạp chí Văn nghệ cũng xuất bản. Trong suốt 10 năm (1982 - 1992) tạp chí mang tên “Văn nghệ Thuận Hải” rồi đến “Văn nghệ biển xanh”. Sau khi chia tách tỉnh Thuận Hải, tạp chí mang tên “Văn nghệ Bình Thuận”. Hội đã lấy số tạp chí đầu tiên khi chia tách tỉnh Thuận Hải để làm mốc xuất bản. Mỗi năm xuất bản 6 kỳ tạp chí (2 tháng/kỳ), số lượng phát hành mỗi kỳ từ 350 - 500 cuốn; riêng số xuân phát hành nhiều hơn. Mỗi kỳ phát hành Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận đã thể hiện rõ diễn đàn văn hóa văn nghệ và là nơi biểu thị tư tưởng, thái độ, quan điểm của giới văn nghệ sĩ trước những biến đổi trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, của tỉnh. Về góc độ chuyên môn thì Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận còn là nơi ươm mầm, phát hiện và giới thiệu bồi dưỡng những năng khiếu, tài năng mới, cây bút trẻ.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các số tạp chí?

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa: Thế mạnh của tạp chí là đăng tải mảng văn xuôi và các thể loại thơ. Nội dung tác phẩm, bài viết chủ yếu là tập trung phát hiện, nắm bắt hơi thở hiện thực cuộc sống; đi sâu vào việc miêu tả hành vi, ứng xử và sinh hoạt đời sống của con người; ca ngợi cái tốt, cái đẹp trong quan hệ con người, lao động sản xuất, bảo vệ quê hương đất nước; đồng thời phê phán những thói hư tật xấu, những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường, đời sống xã hội. Qua các tác phẩm đăng tải trên tạp chí được độc giả yêu thích văn nghệ chú ý, trân trọng. Ngoài ra, Tạp chí Văn nghệ đã sử dụng các thể loại báo chí để phản ánh cuộc sống và các lĩnh vực: bảo vệ biển đảo, xây dựng nông thôn mới; khơi gợi những gương “người tốt, việc tốt” trong lao động, những điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chính vì vậy, Tạp chí Văn nghệ đã có những bước tiến đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức, quan điểm văn nghệ rõ ràng, không chạy theo thương mại hóa. Năm 2013, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tặng giải thưởng về trình bày bìa tạp chí đẹp cho Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận.

Vậy điều ông trăn trở hiện nay là gì?

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa: Các số tạp chí xuất bản chưa có nhiều tác phẩm hay, tác phẩm ở đỉnh cao tạo sự quan tâm chú ý của công chúng; việc định hướng nội dung sáng tác cho văn nghệ sĩ chưa thường xuyên; chưa có kế hoạch xét chọn, tặng thưởng hàng năm đối với những tin, bài, tác phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao. Các kỳ tạp chí phát hành còn dài ngày (2 tháng/kỳ) nên chưa mang tính thời sự, cập nhật những vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội còn hạn chế. Ban biên tập tạp chí từ Tổng biên tập đến biên tập viên đều kiêm nhiệm hoặc hợp đồng với bên ngoài, nên thiếu nhiều chức danh, chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và chế độ trả nhuận bút trong một thời gian dài chưa phù hợp. Đó là những vấn đề đã ảnh hưởng đến chất lượng xuất bản Tạp chí Văn nghệ.

Trước tình hình hội nhập hiện nay ông có suy nghĩ gì để cải tiến, nâng cao chất lượng tạp chí?

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa: Sau Đại hội Hội Văn nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp tới, Hội Văn nghệ sẽ củng cố lại Tạp chí Văn nghệ từng bước tháo gỡ những điều còn trăn trở nói trên. Về chuyên môn, Hội tiếp tục duy trì và bố trí các chuyên trang, chuyên mục phục vụ kịp thời nhu cầu thưởng thức của người đọc và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhất là nắm bắt và tuyên truyền có hiệu quả các sự kiện chính trị, các mặt của đời sống xã hội đang được nhiều người quan tâm; đấu tranh phê phán những mặt tiêu cực, mặt trái trong đời sống thường nhật; củng cố về tổ chức, xây dựng đội ngũ làm tạp chí chuyên trách, có chuyên môn nghiệp vụ vững; tăng số lượng phát hành; tăng cường tuyên truyền, quảng bá Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo điện tử, trang mạng xã hội để bạn đọc gần xa, trong và ngoài nước có thể tiếp cận được nội dung Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận.

Xin cảm ơn ông!

 LÊ THANH (thực hiện)