Mái xưa – tập thơ hay về quê hương La Gi
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:26, 14/06/2016
![]() |
- La Gi quê nhà
- La Gi ngàn xanh
- Sông quê hương
- Đồi quê hương
- Mưa quê hương
- Chiều quê hương
- Biển quê hương
- Đất quê hương
- Mái xưa
Phần Mái xưa ở cuối tập sách nhưng nó là tên cho cả tập thơ. Mái xưa chính là ngôi nhà của anh. Ở đó có mẹ, có thầy, có cả vợ con anh. Yêu La Gi trước hết là yêu mái nhà xưa của anh… “Ôi ngôi nhà của mẹ ta xưa/ mái lá đơn sơ nhưng ấm tình non nước”.
Ở phần Mái xưa, anh có 4 câu thơ làm tựa thật đắc ý:
“Nửa đời bỏ ruộng đi theo sách
Nhớ điếng nhà xưa dáng mẹ gầy
Tô canh bồ ngót cơm lúa mới
Khói bếp đêm hè vướng mắt cay”.
Rõ ràng nhà thơ Đoàn Thuận đã không phụ công đèn sách nên đã xuất bản được 10 đầu sách thơ, trong đó có cuốn thơ dịch Đường thi khá công phu vì Đoàn Thuận đã rất kỹ lưỡng đi qua các bước bắt đầu là chuyển Hán tự sang âm Việt Hán, sau đó chọn dịch nghĩa của từ trên mỗi dòng sang văn xuôi, cuối cùng mới dịch sang âm vận lục bát.
Ở phần La Gi quê nhà nhà thơ có bài thơ dài mang tính truyện kể về huyền thoại Hòn Bà – Núi Ông. Đó là một mối tình đẹp về sự chung thủy… “ Nếu đã có tình cao như núi/ cũng có tình sóng vỗ bạc đầu”. Huyền thoại về Núi Ông – Hòn Bà được nhà thơ biến thành hiện thực sống động:
“Đêm cố tích không còn cổ tích
Khối tình Bà thành đảo Thiên Y
Nỗi nhớ Ông đã cao thành núi
Dòng sông Dinh mạch nối nguồn về”.
Tương tự như ở phần La Gi quê nhà, phần La Gi ngàn xanh cũng là một bài thơ dài về đất và người La Gi. Hình thức truyện kể trong một bài thơ dài được anh vận dụng nhưng không vì thế mà mất đi chất thơ nhờ ở ngôn ngữ và hình tượng có thể khái quát ở phần La Gi ngàn xanh ở khổ thơ:
“…Nơi cư trú tâm hồn cao quý
Những con người tận hiếu tận trung
Những mẹ hiền tảo tần khuya sớm
Những mối tình bền vững thủy chung…”
Mái xưa – một tập thơ dài gần trăm trang chỉ viết về La Gi, mảnh đất mà nhà thơ đã được sinh ra và lớn lên, hơn thế lại được làm thầy giáo, rồi làm hiệu trưởng, đào tạo rất nhiều các thế hệ học trò đã tạo cho anh một tình yêu bền chặt. Mọi cảm xúc, mọi nỗi niềm đều được hình thành từ thị xã La Gi, nhưng để có một tập thơ gần cả trăm trang thật không đơn giản nếu thiếu đi những điều tâm huyết với chính quê hương của mình và cả với tập thơ.
Hãy khoan đọc những bài thơ cụ thể, chỉ cần lướt qua bố cục của cả tập thơ ta đã thấy nhà thơ đã trải lòng mình chỉ với những con sông quê hương, đồi quê hương mà với cả cỏ cây, hoa lá qua từng tháng, từng mùa làm nên một bức tranh thơ sống động. Đó là “Tháng giêng về với biển La Gi”, “Tháng hai về động Tân Lý”, “Tháng ba về hồ Núi Đất”, “Tháng tư về ngãnh Tam Tân”… Cứ như thế, không một xóm nhỏ nào, không một vùng đất nhỏ nào của thị xã La Gi mà anh không đến, mà anh không để lại một câu thơ xúc động ở tất cả những tháng trong năm. Rất tiếc do khuôn khổ bài viết có hạn không thể trích giới thiệu để bạn đọc rộng rãi được biết, tôi chỉ xin trích một khổ thơ trong bài “Cuối tháng chạp về núi May Tào”
“…Tàn đông cây cỏ thanh tân
Cuối năm về nghỉ dưới chân một ngày
Dốc dài cát bụi còn bay
Một đời ta ngỡ như đầy chiêm bao…”
Không thể nào nói khác được, chỉ có tâm huyết với quê hương, tâm huyết với thơ thì nhà thơ Đoàn Thuận mới có tập thơ Mái xưa – dài gần cả trăm trang đầy đủ các thể loại thơ tùy theo nhịp cảm của con tim. Quả là anh không những không phụ công đèn sách mà đã làm ra những sách thơ để người yêu thơ được đọc.
Trần Duy Lý