Bến trầu của mẹ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:17, 15/07/2016

BT- Quê tôi ở tít tận miền Trung, xứ Quảng. Ấy là vùng cao Đại Lộc, Quảng Nam, nơi có dòng sông Vu Gia nghiêng mình soi núi Cấm.
                
Chiếc ghe bầu ở xứ Quảng.

Tôi xa quê khi tuổi còn thơ ấu. Năm 1959 cùng với đoàn người di dân, cha mẹ tôi gánh gồng vào Bình Tuy (nay là thị xã  La Gi) lập nghiệp. Hơn nửa đời xa quê, mãi đến giờ tôi mới có dịp trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

Vẫn dòng sông thơ ấu, vẫn bờ tre kẽo kẹt giữa trưa hè, vẫn ngọn khói lam chiều quyện thơm mùi rơm rạ. Về với quê, tôi mang theo bao hoài mong của mẹ. Mẹ bây giờ không còn nữa, bà đã ra đi, đã bỏ lại bến trầu bên bờ sông Vu Gia một thời cay mắt nhớ. Hồi ấy, rất lâu rồi, bến sông Vu Gia ở Lam Đông là nơi sầm uất, ghe thuyền luôn tấp nập. Cuộc sống của cha mẹ tôi gắn với chiếc ghe bầu chở trầu, chở bòn bon xuôi ngược trên dòng Vu Gia. Cha tôi là con út, lại là con một của gia đình khá giả. Ông được ông bà nội cho ăn học tử tế, biết làm thơ, biết chữ Nho, tiếng Pháp, cũng như có chút máu lãng tử trong người. Ông từng lang thang từ Nam ra Bắc, có lúc qua tận bên Lào, để rồi trở về cùng chiếc ghe bầu ngược xuôi trên dòng sông Vu Gia. Cái nghề sông nước khổ nhưng vui, sáng chống ghe nan ngược nguồn lên Giằng. Chiều ghe cập bến Giằng, rồi xúm nhau rượu chè, hát xướng, chuyện hàng họ gác lại ngày mai, bởi mọi thứ đã có mối lái sẵn. Trầu, trái bòn bon, bà con dân tộc sẽ gùi đến để đổi muối, gạo... Chỉ vậy 2, 3 ngày một chuyến, cha chống ghe, mẹ ngồi bến đợi trầu về chạy chợ Hà Nha. Làm ăn thuận lợi vậy, nhưng đôi khi mẹ cũng rất buồn, suốt đêm ngồi ở bến sông đợi cha về, nhưng khi ghe cập bến, ghe trống trơn chẳng có xấp trầu nào, hỏi ra mới biết cha đã lỡ thua xóc đĩa. Mẹ buồn. Mẹ khóc. Mẹ quảy gánh không về nhà. Cha thì cứ cười xề bảo chuyến sau gỡ lại. Biết tính cha là vậy, mẹ có giận được lâu đâu, rồi lại ra bến sông xếp trầu chạy chợ.

Lại nói về trầu và trái bòn bon. Đây là hai sản phẩm đặc trưng của quê tôi ngày ấy. Mẹ kể, ở trên nguồn, đồng bào dân tộc trồng trầu và bòn bon nhiều lắm. Trầu sau khi hái, người ta xếp thành liểng rồi chở ghe đi bán. Lá trầu nguồn to, dày, xanh mượt, mùi vị rất nồng nàn. Ghe chở về bao nhiêu bán cũng hết, số thì bán lẻ ở chợ Hà Nha, số thì bỏ sỉ cho các thương lái chở ra Hội An, Đà Nẵng. Còn bòn bon, loại trái hiếm này cũng chỉ có ở trên nguồn và một số ít ở vùng lân cận. Tương truyền khi vua Gia Long lên vùng đất này gặp được loài trái cây lạ, mọng nước, ăn rất ngon, rất mát, vua dùng móng tay ấn thử, từ đó múi bòn bon có dấu tay ấn của vua. Biết đây là loài trái quý, vua đặt tên là trái Nam Trân.

Ở dòng sông này, ở bến sông này, tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi đều gắn liền cuộc đời với những buồn vui, sướng khổ. Tuổi thơ tôi cũng đã chập chững theo mẹ, cha ra bến sông vào những đêm trăng lồng lộng. Tôi đã uống nước Vu Gia, tắm mát với Vu Gia, đêm đêm nằm nghe Vu Gia rì rầm tiếng nước.

Cha xa quê được 10 năm rồi mất. Cha mất mà trong lòng còn canh cánh một dòng sông. Mẹ bỏ bến trầu theo cha rồi thành góa bụa, một mình quảy gánh sớm khuya nuôi bầy con 5 đứa. Thấm thoát gần cả đời người, bây giờ mẹ cũng không còn.

Về lại với quê, tôi ra bến sông ngồi tưởng tượng một thời của cha, của mẹ. Dòng sông vẫn rầm rì tiếng nước, những chuyến ghe còn đó xuôi ngược sớm chiều. Bên kia sông dãy núi Cấm Mùn trầm tư soi bóng. Có điều những chiếc ghe chở trầu, chờ bòn bon đã vắng tự lâu rồi.

 NGÔ VĂN TUẤN