“Bình Thuận, nơi tôi ở” - tập sách ảnh lưu giữ những khoảnh khắc ấn tượng
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:28, 05/10/2016
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Thành: Bình Thuận là một tỉnh có truyền thống về nhiếp ảnh, đặc biệt có nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Ngô Đình Cường - bậc thầy về nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng trước đây. Đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh ở địa phương hiện nay cũng thuộc loại đông đảo và đóng góp rất lớn cho thành tích nhiếp ảnh của tỉnh nhà. Còn tôi là một trong những thành viên ban đầu xây dựng và tham gia cùng anh em khi còn làm việc ở cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Bình Thuận. Tuy nhiên do nhiều điều kiện khác nhau, anh em nhiếp ảnh Bình Thuận chưa có một tập sách ảnh cá nhân nào được ấn hành. Chính vì vậy, việc ra đời cuốn sách “Bình Thuận, nơi tôi ở” của cá nhân tôi và được xem như ấn phẩm mang dấu ấn cá nhân về ảnh nghệ thuật đầu tiên ở.
“Bình Thuận, nơi tôi ở” là một tập sách ảnh mang tính lịch sử về ảnh của một vùng đất trong thời gian 30 năm của một người cầm máy sáng tác ảnh nghệ thuật, để rồi tổng kết một cuốn sách ảnh mang tính “đời ảnh” là chuyện rất ít có trong Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Ở đây nó đòi hỏi về thời gian liên tục sáng tác, cách bảo quản ảnh gốc bằng film cũ trước kia, cùng kết hợp với các file ảnh số thời nay để cho ra đời một cuốn sách ảnh cộng với nỗ lực cá nhân. Đó là điều đặc biệt ở cuốn sách này…
Triển lãm ảnh nghệ thuật và giới thiệu sách ảnh nghệ thuật “Bình Thuận, nơi tôi ở” sẽ là một trong những hoạt động nổi bật kỷ niệm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10) năm nay. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Thành - tác giả tập sách ảnh “Bình Thuận, nơi tôi ở”. |
Nói gì về sự hiện diện những tác phẩm mà theo anh có thể gọi là “để đời” của một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng?
Thời gian 30 năm cầm máy thì có biết bao nhiêu tác phẩm có thể gọi là “để đời”. Tuy nhiên, nếu chọn lọc một cách khắt khe thì những bức ảnh “để đời” cũng không phải là nhiều. Thập niên 1980 - 1990, vùng cao La Dạ thuộc huyện Hàm Thuận Bắc là nơi hoang sơ và đường đi rất khó khăn vì phải vượt những ngọn đèo, chưa kể phải chèo thuyền qua con sông La Ngà bởi lúc đó chưa có cầu. Một nhiếp ảnh gia đã đến được vùng đất này thì ôi thôi cả một không gian huyền thoại dành cho hình ảnh bản sắc dân tộc. Về những câu chuyện “đẹp khoe, xấu che” của những người phụ nữ dân tộc K’ho hay bức ảnh “Kèn bầu” khi tôi kịp ghi lại một cô gái K’ho thổi cái kèn bằng trái bầu là một khoảnh khắc “để đời” trong đời cầm máy.
Với bức ảnh về “Nhà tránh voi rừng” hoặc “Thuần hóa voi rừng” cũng là những câu chuyện hay về những đàn voi rừng duy nhất sinh sống ở những cánh rừng còn lại ở vùng Đức Linh, Tánh Linh. Voi vốn là động vật hiền lành, nhưng những lãnh địa riêng của nó cứ bị con người trong hành trình kiếm sống lấn dần. Và từ đó voi trở nên hung dữ và giết người. Thế nên bức ảnh “Nhà tránh voi rừng”, “Thuần hóa voi rừng” là những khoảnh khắc sống động mà tôi kịp ghi lại những câu chuyện đó và hôm nay có trong tập sách ảnh để mọi người thưởng ngoạn. Còn nữa những bức ảnh “để đời” mang tính lịch sử của vùng đất này, bởi hiện nay đã không còn tồn tại. Ví như bức ảnh “Đường ra Mũi Né ngày xưa”, “Suối Hồng”, “Đường vào Suối Tiên” hoặc những bức ảnh đồi cát bay Mũi Né hoang sơ, sống động một thời...
Nhìn lại chặng đường sáng tác trong vòng 30 năm để làm nên “Bình Thuận, nơi tôi ở”, nếu có điều chưa hài lòng thì đó là gì?
Mục đích phát hành cuốn sách “Bình Thuận, nơi tôi ở” có hai ý tưởng. Một là tổng kết chặng đường dài 30 năm sáng tác ảnh khi vừa làm báo, vừa chơi ảnh nghệ thuật với biết bao nỗ lực cá nhân. Hai là phản ánh sự phát triển đi lên của một vùng đất giàu truyền thống, nhiều vẻ đẹp và người dân nơi đây sống thanh bình, hiền hòa, mến khách… Tuy nhiên ẩn trong hơn 200 bức ảnh của tập sách là ý nghĩa lịch sử của các bức ảnh. Về mặt lý luận, ai cũng biết bản chất của nhiếp ảnh là nghệ thuật lưu giữ những khoảnh khắc, những “lát cắt thời gian” trong dòng chảy liên tục của cuộc sống. Chính vì vậy, những hình ảnh của tôi trong tập sách chứng minh một điều là sự suy thoái môi trường nói chung và suy thoái môi trường trong hoạt động du lịch nói riêng. Vì có đến hơn 30% hình ảnh trong tập sách đã trở thành “lịch sử”, có nghĩa là nó đã không còn tồn tại trong thực tế. Như các bức ảnh về rặng dừa Mũi Né, đồi Hồng, bến thúng Gành Son, những đồi cát đẹp ở Mũi Né… Đó cũng là những lời cảnh báo. Tôi thật sự mong các cấp chính quyền, các nhà quản lý, các doanh nhân và người dân “nơi tôi ở” cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ những không gian văn hóa, du lịch và lịch sử… Có như vậy vùng đất này mới phát triển bền vững.
Sắp tới, anh có dự định tham gia hoạt động nào tiếp tục đóng góp cho ngành du lịch Bình Thuận nói chung và lĩnh vực nhiếp ảnh nói riêng?
Quảng bá hình ảnh là một trong chức năng quan trọng của hoạt động du lịch nói chung trên thế giới. Du lịch ở tỉnh ta cũng vậy, vì trong hoạt động này, những bức ảnh cũng có đóng góp quan trọng. Những bức ảnh chân thật về một vùng đất sẽ là “đại sứ” miễn phí cho công việc quảng bá… Lịch sử phát triển của ngành du lịch địa phương chọn ngày 24/10 làm Ngày Du lịch Bình Thuận nhân sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995 đã chứng minh điều đó và ghi nhận có sự đóng góp của ngành nhiếp ảnh.
Trong thời đại ngày nay khi truyền thông trở thành một trong những lực lượng quyết định những “cuộc chơi” về xã hội, kinh tế, văn hóa, hội nhập quốc tế với sự tham gia của Internet, mạng xã hội, facebook… thì việc quảng bá hình ảnh sẽ trở nên hết sức quan trọng. Tôi nghĩ, tôi sẽ làm tích cực điều này vì “nơi tôi ở”.
Đồi cát Mũi Né. |
Đường đi Mũi Né ngày xưa. |
Thuần hóa voi rừng. |
Nhà tránh voi rừng. |
Dấu ấn thời gian. |
Di tích đồi Hồng. |
Quốc Tín