40 năm - một chặng đường nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:36, 17/10/2016

BT- 14.600 ngày lao động sáng tạo, miệt mài trên sân tập và các buổi biểu diễn trước công chúng nhân dân, là niềm tự hào của cán bộ, diễn viên, nhân viên Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh qua 40 năm hình thành và phát triển.
                
      
Văn hóa Chăm là đặc trưng nghệ thuật tiêu    biểu thường được nghệ sĩ - diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh    trình diễn.

  16 năm đầu hình thành

Để phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân trong tỉnh (Thuận Hải) sau khi miền Nam mới hoàn toàn giải phóng, ngày 10/10/1976, Đoàn ca múa kịch nhân dân tỉnh Thuận Hải được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đoàn văn công Khu 6 và Đoàn văn công Thống nhất Bình Thuận, được tổ chức thành các đội ca, múa, nhạc, kịch.

Mặc dù đời sống lúc này của toàn thể anh chị em còn vô cùng khó khăn nhưng đoàn đã bắt tay vào xây dựng các chương trình, tiết mục phục vụ. “Khó khăn nhất đối với nghệ sĩ lúc này là làm sao dung hòa được nhiệm vụ chính trị và biểu diễn phục vụ quần chúng. Lúc này tôi bắt đầu đi sâu vào việc nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác múa dân gian các dân tộc trong tỉnh với các nền văn hóa đặc sắc của người Chăm, Raglay, K’ho…”, NSND Đặng Hùng, Phó trưởng Đoàn giai đoạn này kể lại. Nhờ vậy mà những buổi trình diễn ngày một nhiều hơn tại khắp các địa bàn trong toàn tỉnh, giúp gắn kết tình cảm của người dân với đội ngũ người làm nghệ thuật, tạo mối giao lưu và đoàn kết của các dân tộc trong tỉnh. Trong 16 năm đầu phát triển, Đoàn ca múa nhạc kịch Thuận Hải được giới nghệ thuật gọi với cái tên thân thương là “Đoàn khát vọng” hay “Đoàn 85” với những tác phẩm múa đỉnh cao như Trống Paranưng, Múa quạt, Vui lao động, Ước mơ, Khát vọng, Những cô gái Raglay, Nước về, Roi, Đoa pụ, Mùa cá quê hương…đã tái hiện chân thực đời sống yên bình, giản dị tươi vui, mang đậm bản sắc của cộng đồng các dân tộc tỉnh Thuận Hải, đại diện nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ngày hội văn hóa tại các nước Đông Âu năm 1986.

 Giai đoạn phát triển sau chia tách tỉnh

Cuối năm 1992, sau khi chính thức chia tách tỉnh, Đoàn ca múa nhạc kịch Thuận Hải ở lại tỉnh Bình Thuận và đổi tên thành Đoàn ca múa nhạc Bình Thuận. Hoạt động được hơn 1 năm thì Đoàn tiếp tục được hợp nhất với đoàn dân ca kịch Hải Âu và Đoàn cải lương Nhạn Trắng (giữ nguyên tên gọi) để xây dựng thành đoàn văn công duy nhất, mạnh về tổ chức và giỏi về chuyên môn khi nước ta bắt đầu mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia.

Đỉnh điểm là từ năm 1996 trở đi, khi phương tiện thông tin ngày một nhiều và hiện đại hơn nên sân khấu không còn chiếm lĩnh đông đảo khán giả như trước, không cạnh tranh tốt với các nhóm múa, nhóm ca, các ban nhạc do tư nhân quản lý, tình trạng thu không đủ chi diễn ra tại khắp các đoàn văn công trên toàn quốc. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, ban lãnh đạo đoàn làm tốt công tác nội bộ, tạo tư tưởng thoải mái cho anh, chị em nhân viên, đồng thời tăng cường đào tạo dài hạn cho diễn viên tại các trường múa, trường nhạc nhằm kịp thời bổ sung nguồn lực, tăng cường số lượng buổi diễn tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Được UBND tỉnh giao quản lý Đội văn nghệ dân gian Chăm, đoàn tiếp tục phát huy và quảng bá vốn nghệ thuật độc đáo, là thế mạnh của tỉnh nhà ra công chúng cả nước và quốc tế. Giai đoạn 1992 - 2009, đỉnh cao nghệ thuật là 5 lần được tặng huy chương vàng giải chương trình tại các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

 Chuyển mình với vận hội mới

Ngày 26/5/2009, Đoàn ca múa nhạc Bình Thuận bước đến cột mốc mới của mình khi là đoàn nghệ thuật cấp tỉnh đầu tiên được nâng cấp thành đơn vị nghệ thuật cấp Nhà hát với cái tên mới là nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh (CMNBX) với nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục khai thác vốn nghệ thuật dân gian phong phú của các dân tộc trong tỉnh thông qua các tiết mục tự dàn dựng và biểu diễn, tạo nên sắc thái riêng của tỉnh Bình Thuận.

“Trong tình hình mới, cách thức hoạt động phải năng động hơn, nhà hát thành lập 2 đoàn nghệ thuật trực thuộc là Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Biển Xanh và ca múa nhạc dân gian dân tộc Chăm, tổ chức nhiều nhóm ca múa nhạc để có thể biểu diễn đồng thời tại các sự kiện chính trị, văn hóa, các chuyến lưu diễn, phục vụ du lịch… Đến nay, mỗi năm nhà hát xây dựng từ 10 - 14 chương trình mới, biểu diễn khoảng 450 suất diễn, doanh thu trên 2 tỷ đồng”, NSND Minh Mẫn - Giám đốc Nhà hát CMNBX vui vẻ cho biết.

40 năm hình thành và phát triển, tập thể những người làm nghệ thuật tại Nhà hát CMNBX qua các thời kỳ vẫn tin tưởng sẽ tiếp tục phục vụ đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân, xứng đáng là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tiêu biểu của cả nước.

H.Đ