Loạt bài nhiều kỳ: Họa sĩ Quang Lộc, 50 năm sưu tầm cổ vật

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 10:03, 02/12/2016

Kỳ 2:  Bộ sưu tập 300 loại đá, ngọc quý

Kỳ 3:  Mã não Hồng cẩm, khối ngọc quý tìm thấy tại Bình Thuận

BT- Mỗi một loại đá quý mà họa sĩ Quang Lộc sưu tầm, sở hữu là một câu chuyện dài. Khối đá Mã não Hồng cẩm chúng tôi sắp giới thiệu đây cũng có một lai lịch đầy huyền bí…

                
      
Khối Mã não Hồng cẩm duy nhất khai thác tại    Hòn Hồng đặt tại sảnh trước Nhà trưng bày đá quý.    

Giá trị và công dụng của Mã não

Mới đây,  một chiều cuối tuần, họa sĩ Quang Lộc và tôi có dịp bàn về giá trị và công dụng của vàng và đá quý (trong đó có họ Mã não). Họa sĩ Quang Lộc cho rằng: Vàng và đá quý là những vật liệu quý, trở thành thước đo giá trị ở mọi thời đại, là niềm khao khát của  không ít người. Ngoài công dụng trao đổi, mua bán, làm đồ trang sức…, vàng và đá quý còn được sử dụng  trong một số ngành công nghiệp nặng và nhẹ và cả trong công nghiệp vũ trụ...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều loại đá quý hiện nay đang cạn kiệt, vì thế giá trị thường tăng cao, rất cao. Người dân bình thường không khó để sắm cho mình vài chỉ vàng, nhưng để sở hữu được 1 viên đá quý, nhất là đá quý hiếm thì không dễ chút nào. Đá quý đã và đang trở thành biểu tượng cho sự quý phái và sang trọng.  Cha ông ta  đúc kết: “Giàu trữ vàng, sang trữ đá quý” là thế. Đúc kết của ông cha ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Từ thuở sơ khai, con người đã biết khai thác và sử dụng Mã não. Ở châu Âu, Mã não không chỉ làm trang sức mà còn biểu tượng cho sức khỏe, sự hưng thịnh và trường thọ. Đồ trang sức làm từ Mã não  làm cho chủ nhân tự tin, dễ mến trong giao tiếp và gặp nhiều  may mắn. Theo lý giải của những người sử dụng, Mã não hấp thụ năng lượng xấu có hại, đảm bảo sự bình an, thư thái và may mắn cho chủ nhân. Mã não là loại đá của sự thành công, là loại đá số 1 trong phong thủy.

Ngày nay, Mã não được chế tác thành nhiều loại sản phẩm. Từ chiếc nhẫn đeo tay, mặt gắn đá quý, đến mặt dây chuyền, khuyên tai, vòng đeo tay…, cho tới những tác phẩm nghệ thuật, đồ dùng trong sinh hoạt của con người.

Mã não có tên khoa học là AGAT, thành phần hóa học của Mã não chủ yếu là Oxít Silic.

Mã não có nhiều loại. Đó là, Mã não Vương công, Mã não Đài tiên, Mã não Hồng cẩm, Mã não cành bách, Mã não pháo đài, Mã mão đốm tương… Trong đó, Mã não Vương công, Mã não Đài tiên, Mã não Hồng cẩm là đắt giá nhất.

 Mã não Hồng cẩm -  “quý tử” của gia đình họ Ngọc

Tôi trở lại Công ty Kim Nguyên tại Khu Tháp Po Sah Inư, phường Phú Hài (Phan Thiết) để tìm hiểu một khối đá quý mà họa sĩ Quang Lộc sở hữu trên 20 năm nay. 

Ấn tượng đầu tiên khi tôi bước vào phòng khách là một khối đá chưa được chế tác, màu hồng.  Khối đá nặng khoảng 200 kg, đề  tên là Mã não Hồng cẩm (Cornaline), đặt ngay nơi bàn tiếp khách. Họa sĩ Quang Lộc cho hay: “Đây là  loại Mã não quý hiếm, được khai thác ở Hòn Hồng, Hòa Thắng (Bắc Bình). Là chủ sở hữu của bộ sưu tập trên 300 loại đá quý, có nhiều loại rất đẹp và quý hiếm, nhưng họa sĩ Quang Lộc lại chọn khối Mã não Hồng cẩm, xem như là “cây trụ chính” đặt trước tiền sảnh của Nhà trưng bày đá quý của ông. Điều này, ông có lý, bởi xung quanh khối đá mà não này là câu chuyện nhiễm màu huyền thoại.

Họa sĩ Quang Lộc kể: Cách đây khoảng 80 năm, lúc ông còn học tiểu học, có năm hạn hán kéo dài, cả vùng phía Bắc Bình Thuận người dân cầu mưa để cứu cây cối, hoa màu,  có nước để sinh hoạt. Và mỗi lần hạn hán như vậy, tại Hòn Hồng xảy ra hiện tượng lạ.

Dừng một lát rồi họa sĩ Quang Lộc tiếp: Hòn Hồng, thuộc xã Hòa Thắng (Bắc Bình) là ngọn núi  thấp (230m), nằm đơn độc giữa khu rừng thưa, bao quanh là eo biển hoang sơ, bên cạnh là động cát hùng vĩ vàng óng. Nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng Lê Hồng Phong nổi tiếng. Mỗi khi có đám mây bay qua Hòn Hồng, thì từ Hòn Hồng có một luồng ánh sáng màu hồng nhạt chiếu lên đám mây. Những lúc như thế, mây chuyển từ màu trắng sang màu hồng và khoảng 1 giờ sau thì trời  đổ mưa to. Thời đó,  bà con ở vùng kháng chiến không ai lý giải hiện tượng trên và thường quy về là “do trời làm!”.

                
Các loại Mã não được họa sĩ Quang Lộc chế    tác thành vòng đeo tay, mặt dây chuyền.

Những năm sau, chiến tranh kéo dài và khốc liệt nên không ai còn quan tâm đến hiện tượng “huyền thoại” đó nữa. Và không hiểu hiện tượng kỳ diệu này có tiếp tục xảy ra hay không? Nhưng bây giờ hiện tượng đó không còn nữa, dù có hạn hán kéo dài.

 Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Bình Thuận được biết đến là vùng đất có nhiều loại đá quý, như Sapphire, Thạch anh, Mã não. Nghề chơi đá, khai thác, mua bán đá quý tự phát hình thành. Có thời điểm, người dân địa phương đổ về Hòn Hồng để khai thác Thạch anh, Mã não…, trong đó, nhiều người tìm được Mã não Hồng cẩm. Và vì thế, nguồn đá quý tại Hòn Hồng ngày càng cạn kiệt.

Trong một lần đi sưu tầm đá quý, đang loay hoay ở ngã ba đường, đi hay về nhà trước khi đêm xuống thì  người bạn báo tin: “Có  người dân  đào được  khối đá màu đỏ hồng, khá to ở Hòn Hồng, Hòa Thắng”. Họa sĩ Quang Lộc tức tốc tìm đến Hòa Thắng một cách nhanh nhất. Lúc đầu, người đó ra giá khá cao so với mặt bằng giá thời đó. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng viên đá cũng về với ông. Dường như không chỉ ông đi tìm đá mà có khi đá cũng đi tìm ông. Những điều “lạ” như trên đến nay ông chưa thể giải thích nổi.

Sau khi mua được khối Mã não Hồng cẩm, họa sĩ Quang Lộc không chế tác mà để nguyên. Ông bảo, đây là viên Mã não quý hiếm, nếu chế tác thành mặt nhẫn, mặt dây chuyền hoặc vòng đeo tay sẽ làm mất giá trị của nó. Hơn nữa, đây là cái “duyên” trời đất ban tặng cho ông và gia đình. Nhiều người hỏi mua giá khá cao, nhưng ông vẫn không bán. Họa sĩ Quang Lộc đặt viên Mã não Hồng cẩm trong phòng khách nhà ở. Từ ngày đặt viên Mã não Hồng cẩm trong nhà, công việc của gia đình ông trở nên thuận lợi hơn, sức khỏe của ông và gia đình tốt hơn trước. Ở tuổi 90,  họa sĩ Quang Lộc vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn. Ông vẫn viết báo, đọc sách, nghiên cứu đá quý từ 8 đến 9 giờ/ngày hoặc đến thăm bạn bè trong thành phố Phan Thiết bằng xe đạp.

Bây giờ, Hòn Hồng, xã Hòa Thắng (Bắc Bình) chẳng còn một viên Mã não nào để có thể tạo nên một câu chuyện “huyền thoại” như năm xưa nữa.

Quang Phát