Loạt bài nhiều kỳ: Họa sĩ Quang Lộc, 50 năm sưu tầm cổ vật

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:01, 25/11/2016

Kỳ 2:  Bộ sưu tập 300 loại đá, ngọc quý

BT- Họa sĩ Quang Lộc không chỉ đam mê mà còn có “duyên” với  đá, ngọc quý…

Duyên với đá, ngọc quý

Theo hẹn, tôi đến nhà họa sĩ Quang Lộc để lấy thêm tư liệu cho bài viết kỳ tới. Trong lúc đợi ông ở phòng khách, tôi tranh thủ xem mấy viên đá quý được trưng bày trong chiếc tủ kính. Tôi sực nhớ đến câu nói: “Với đá ai đó có “duyên” thì mới tri ngộ”.

                
      
Họa sĩ Quang Lộc bên những loại đá quý.

Không hiểu tôi có được cái “duyên” ấy hay không nhưng lúc nào nghe nói về đá quý, ngọc quý thì thấy lòng mình rạo rực, nôn nao, muốn được tận mắt tìm hiểu và thưởng ngoạn. Đang chăm chú xem đá quý, thì họa sĩ Quang Lộc từ trên gác bước xuống. Dù mới tiếp xúc vài lần, nhưng tôi cảm nhận ông ít nhiều dành cho tôi sự thiện cảm. Ông hỏi? “Chú hôm nay cần những tư liệu gì?”.

Rồi ông cười, bảo: “Đá có trước sự sống của các loài sinh vật. Trong các hành tinh của vũ trụ, đâu đâu cũng có đá. Sự hình thành của đá nói lên sự hình thành, phát triển của Trái đất. Đá phản ánh nền văn hóa của vùng miền, lãnh thổ. Đi dọc từ Bắc vào Nam, chúng ta có thể bắt gặp những hòn đá giống con người, như: Hòn đá Vọng Phu (đá trông chồng) ở các tỉnh:  Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định, Tuy Hòa (Phú Yên)... Chứng tỏ giữa đá và con người có mối liên hệ nào đó mà chưa ai có thể lý giải được.

Dừng một lát, họa sĩ Quang Lộc nói tiếp. “Con người ứng xử với đá như thế nào thì đá cũng sẽ như thế với con người. Muốn hiểu đá, phải có tình yêu, niềm đam mê thật sự và không tính toán, vụ lợi. Chính tình yêu đó sẽ nảy sinh cái “duyên” giữa người với đá. Là một họa sĩ tôi rất thích cái đẹp chân thiện mỹ, khi gặp một vật gì đó lạ, có giá trị thẩm mỹ là tìm mọi cách tìm hiểu, khám phá”. Năm 1963, họa sĩ Quang Lộc đi dự Hội nghị các dân tộc tại huyện Phan Lý Chàm (Bình Thuận). Đoàn của ông theo đường mòn trong rừng mà đi. Đến trạm dừng chân, mọi người đều nghỉ để lấy lại sức, riêng ông thì đi quanh khu vực quan sát xem có cái gì mới lạ ở đó. Và thật bất ngờ ông nhìn thấy một viên Thạch anh Biotit nằm giữa suối khô, óng ánh trăm màu, ngàn sắc dưới ánh nắng. Ông mừng và vội chạy đến cầm lên, ước nặng khoảng 1,6 - 1,7 kg. Ông nghĩ có thể mang về đặt trên bàn làm việc. Và ông quyết định bỏ vào ba lô, tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng đi được khoảng 2 giờ, ông thấy hơi mệt vì ba lô phía sau lưng hơi nặng, nhất là lúc leo lên những con dốc (ba lô chứa đủ mọi đồ dùng sinh hoạt, chiến đấu), nên đến trạm dừng chân kế tiếp, ông quyết định giấu viên Thạch anh vào gốc cây to gần đó với dự định ngày trở về lấy. 5 ngày sau, trên đường trở về, ông tìm đến nơi mình giấu, nhưng không thấy viên Thạch anh đó nữa. Quá thất vọng, ông sục sạo, tìm kiếm mọi ngóc ngách gần đó, nhưng  không sao tìm thấy lại được. Hết giờ nghỉ, ông tiếp tục lên đường. Đi khoảng 2 giờ nữa thì tới trạm dừng chân kế tiếp (nơi phát hiện ra viên Thạch anh). Mọi người nghỉ  sức. Ông lại đi vòng quanh khu vực như lần trước để quan sát. Và một lần nữa ông gặp lại viên Thạch anh đó. Ông dự đoán ai đó đã vô tình nhìn thấy cái đẹp viên Thạch anh ông cất giấu, định mang đi nhưng rồi vì nặng đã giấu lại (cũng như ông trước đó)  và vật đã về lại với chủ cũ.   

Một lần khác, cách đây khoảng 3 năm, lúc tròn 86 tuổi, ông cùng con trở lại thăm chiến trường xưa (giáp ranh Lâm Đồng). Trên đường đi ông phát hiện một hòn đá màu trắng nằm trên sườn núi cao. Khi đến gần thì phát hiện ra đó là loại đá “hoa trắng” (Paper spate), một trong những loại khoáng, nặng khoảng 1 tấn. Ông bàn với con tìm cách đưa nguyên vẹn hòn đá trên về nhà chơi.  Thuê xe chở thì không xe nào nhận. Nhiều người thấy đó là chuyện lạ nên hỏi 2 cha con tôi. Tôi bảo, mang hòn đá trên về để làm đá cảnh. Đang loay hoay, thì ông nảy ý nghĩ: dùng ròng rọc và giây kéo hòn đá xuống chân núi. Vất vả và công phu lắm mới có thể đưa được hòn đá về với ông. Sau này họa sĩ Quang Lộc đã chế tác thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo (Đầu tượng Phật-rất có hồn), đặt tại trụ sở Công ty Kim Nguyên, nằm trong khu tháp Po Sah Inư.

Bộ sưu tập 300 loại đá, ngọc quý

Rời căn nhà của họa sĩ Quang Lộc trong ngõ nhỏ, phường Phú Thủy (Phan Thiết), tôi được ông mời đến cơ sở trưng bày rộng chừng 1.000m2, trên đất thuê 50 năm của Nhà nước, nằm trong khu tháp Po Sah Inư, phường Phú Hài (Phan Thiết) để tham quan dịch vụ văn hóa tổng hợp; trong đó có phòng trưng bày 300 loại đá, ngọc quý mà ông sưu tầm 50 năm qua.

                
      
Đầu tượng Phật, một tác phẩm nghệ thuật độc    đáo được chế tác từ hòn đá 1 tấn đưa về từ sườn núi cao.

Đầu tiên, ông giới thiệu tổng thể 300 loại đá, ngọc quý được đặt trang trọng trên những giá gỗ hoặc đá và được sắp xếp một cách khoa học theo chủng loại. Mỗi loại đều hội tụ đủ tiêu chí: Hình, thể, màu, chất, họa tiết và tính hy hữu.

 Tiếp  đến, ông giới thiệu về 4 loại ngọc hàng đầu trong hệ thống đá quý truyền thống (Kim cương, Hồng ngọc, Lam ngọc và Lục ngọc. Và Cương ngọc (Corundum), cái gốc tạo ra Hồng ngọc và Lam ngọc.

 Bộ đá ngọc họ Thạch anh, gồm có nhiều loại: Quý hiếm và đắt giá nhất là Thạch anh đỏ, Thạch anh xanh, Thạch anh có màu đen (Morion) và màu vàng (Citrin). Đặc biệt, Thạch anh xanh, giá trên thị trường thế giới rất cao.  Mã não cũng có nhiều loại, trong đó, Mã não vương công, Mã não đài tiên, Mã não Hồng cẩm là loại ngọc quý đắt giá.

Ngoài ra, họa sĩ Quang Lộc còn giới thiệu rất nhiều loại đá quý khác gắn với  ý nghĩa của từng loại. Chẳng hạn, Hoàng ngọc dành cho sự mở đầu, khai trương kinh doanh; Hồng ngọc mang lại giàu có, sang trọng và thành đạt…; Lam ngọc mặt có hình sao 6 cạnh là biểu tượng của sự trung thành, hy vọng và nhân ái; Lục ngọc mang lại thuận lợi trong kinh doanh…

Quang Phát

Kỳ tới: Mã não Hồng cẩm, viên ngọc quý hiếm tìm thấy ở Bình Thuận.