Thanh trang lan nhã - ngôi chùa có một vườn thơ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:26, 01/03/2017

BT- Ngôi chùa nhỏ với không gian yên tĩnh nằm bên dòng suối Đó giáp ranh giữa xã Tân Phước và phường Tân An, thị xã La Gi có cái tên rất thanh vắng, tịch mịch “Thanh trang lan nhã” .

Chùa do một vị Đại đức tuổi trung niên làm trụ trì, nhà sư Thích Tấn Tuệ. Sư Tấn Tuệ tên thật là Đinh Văn Thành (SN 1960), quê ở làng Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông quy y từ lúc còn nhỏ được đào tạo học hành chu đáo, đi lại nhiều nơi nên kiến thức sâu rộng.

Không chỉ nhà sư đắc đạo, ông còn nổi tiếng cả trên lĩnh vực thơ văn, với bút danh Đinh Hồi Tưởng, ông có nhiều tác phẩm được đăng tải trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương, đã xuất bản hàng chục đầu sách. Năm 2013 ông được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: Chùa Một Cột/ Một thoáng bâng khuâng (thơ, 1992), Cánh nhạn đường mây (thơ, 1994), Gió từ tay Mẹ (thơ, 1997), Lời trong hoa (thơ), Ẩn hiện (thơ, 2000), Hương lòng (thơ, 2000)…và mới đây nhất “Gió chùa Đây”.

Vốn là người rất đam mê thơ văn, cảnh vật thiên nhiên, mê sưu tầm cổ vật. Qua nhiều năm kiên trì với ý tưởng của mình, nhà sư đã từng bước đưa vào cảnh chùa một không gian văn hóa Việt đậm chất thi ca.

Dưới những tàn cây rợp bóng, người vãn cảnh chùa tha hồ thả hồn vào những vần thơ của nhiều tác giả trên cả nước được nhà sư trịnh trọng khắc vào bia đá đặt trong khuôn viên chùa. Trên những thân cây cổ thụ rải rác là những câu ca dao có nội dung giáo dục làm người được nhà sư chép chân phương trên từng thanh gỗ. Bước vào vườn chùa là bước vào không gian của một vườn thơ, thơ “mọc” quanh hồ sen, thơ lẫn trong vườn cây, thơ dọc theo lối đi.

Với niềm đam mê sưu tầm cổ vật, sư Tấn Tuệ đến nhiều vùng miền trên cả nước sưu tập những cổ vật. Cặp chó đá gần nghìn năm tuổi được nhà sư sưu tầm từ đất Bắc, cùng với bức tượng gỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông là những cổ vật vô cùng quý hiếm đang được gìn giữ tại chùa.

Hàng chục chiếc cối xay bột bằng đá, rồi những lu vại, những bình gốm… được nhà sư tập hợp thành bộ sưu tập rất độc đáo.

Ngoài những cổ vật như đã nói, nhằm lưu giữ lại những di chỉ văn hóa có từ xa xưa, sư Tấn Tuệ đã ra tận Ninh Bình tìm thợ điêu khắc bộ rồng bằng đá với đầy đủ các họa tiết tinh tế thể hiện qua bốn triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. Chiếc khánh đá và giếng nước bằng đá cũng được các nghệ nhận khắc chạm hoa văn thời Trần vô cùng tinh xảo.

“Suối Đó - chùa Đây”, một ngôi chùa còn khiêm tốn, nhưng cảnh vật quanh chùa với không gian văn hóa rất Việt Nam, cộng với tấm lòng hiếu khách của chủ nhân “suối Đó - chùa Đây” luôn là điểm ghé thăm của nhiều vãn khách.

NGÔ VĂN TUẤN