Người con đất Bắc qua cầu Dục Thanh…
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:00, 07/05/2017
Nhà thơ, nhà báo Đặng Trường Giang. |
Trong những năm 1953-1954, ông là thanh niên xung phong của đội quân chủ lực cầu đường trên mặt trận Điện Biên. Năm 1959, ông trở về học Trường Cao đẳng Giao thông công chính. Học xong, Trường Giang nhận công tác ở Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho đến năm 1974 thì hoạt động báo chí chuyên nghiệp tới lúc nghỉ hưu. Ông là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (1966), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (1974), nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Giao thông vận tải và Tạp chí Cánh Buồm.
Với những vùng đất, những địa danh mà nhà thơ, nhà báo Trường Giang từng có cơ hội ghé thăm trong những chuyến công tác, trong đời hoạt động báo chí, thì những vần thơ chính là một cách để ông lưu dấu chút kỷ niệm vui buồn. Có thể kể đến các bài thơ như “Viếng nghĩa trang Đồng Lộc”, “Với Nam Định”, “Một thoáng Quy Nhơn”, “Trở lại Nậm Na”,… Cách đây đúng 30 năm - vào năm 1987, tại phố biển Phan Thiết cuối dải đất miền Trung đầy nắng gió, nhà thơ, nhà báo Đặng Trường Giang đã xúc cảm viết nên bài thơ “Qua cầu Dục Thanh”.
Nhà thơ, nhà báo Đặng Trường Giang. |
Qua cầu Dục Thanh
Sáng sáng đi dạy học
Tôi qua cầu Dục Thanh
Sông Cà Ty in bóng
Dừa xanh và trời xanh.
Bên cầu, trường Dục Thanh
Xưa Bác Hồ dạy học
Những dãy bàn hiền lành
Ngọn đèn khuya trằn trọc.
Những học trò xưa đâu?
Tượng đài - tay Bác vẫy
Dáng thầy Thành năm ấy
Vững chãi chấp thời gian.
Vườn trường, hoa vẫn nở
Gió lật vở hàng ngày
Con cháu nay lớp lớp
Vẫn lắng nghe tiếng Thầy...
Trên từng trang, từng trang
Nghĩa cuộc đời gợi mở
Theo từng dòng, từng dòng
Thầy Thành luôn nhắc nhở.
Mỗi lần qua Dục Thanh
Trường xưa luôn ngỏ cửa
Tôi trở về tuổi nhỏ
Ước được nghe tiếng Thầy...
Bài thơ là tiếng lòng, là những tình cảm dạt dào của tác giả đối với thầy giáo Nguyễn Tất Thành - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Người đã từng dừng chân tại trường Dục Thanh dạy học vào năm 1910 trước khi ra đi tìm đường cứu nước (1911). Khu di tích Dục Thanh hiện tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết. Cây cầu bắc qua dòng sông Cà Ty gần đó cũng được đặt tên là Dục Thanh. Từ cầu, có thể nhìn thấy bao quát toàn cảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận (khánh thành ngày 19/5/1986). Có lẽ vì được sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nên nhà thơ Trường Giang cũng có những tình cảm, những ấn tượng đặc biệt hơn về vị lãnh tụ của dân tộc. Xen lẫn trong giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ như đang trò chuyện, người đọc có thể cảm nhận một sự tự hào, sự ngưỡng mộ về thầy giáo Thành, về Bác Hồ kính yêu. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bài thơ này cũng có thể xem là tấm lòng của một người con nơi đất Bắc xa xôi dành cho mảnh đất Phan Thiết, Bình Thuận mến thương.
Bài thơ “Qua cầu Dục Thanh” được in trong tập thơ “Trên đường xa” của nhà thơ, nhà báo Trường Giang (NXB Văn hóa, 1995). Năm 2005, NXB Trẻ đã tuyển chọn, đưa bài thơ này vào “Tuyển tập thơ nhạc về Bác Hồ” thuộc Tủ sách “Di sản Hồ Chí Minh” và cho tái bản nhiều lần sau đó.
Phúc Thịnh