Tín ngưỡng thờ Trấn Bắc ở đảo Phú Quý

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:58, 28/04/2017

BT- Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm,  người dân trên đảo Phú Quý lại chuẩn bị hoa vật, long trọng tổ chức lễ giỗ Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng phủ sự Trấn quận công Bùi Tá Hán, mà nhân dân quen gọi là Ông Trấn Bắc.
                
      
Chính điện thờ Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng    phủ sự Trấn quận công Bùi Tá Hán tại Miếu Trấn Bắc ở Phú Quý.

Nguồn gốc tín ngưỡng

Theo tài liệu lịch sử, Bùi Tá Hán sinh năm Bính Thìn – 1496 tại Châu Hoan (nay là tỉnh Nghệ An). Là một trong những công thần phục hưng triều hậu Lê (1533 - 1789), sau được phong chức Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự vào trấn nhậm Thừa tuyên Quảng Nam (là đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt thời Lê, nay thuộc các tỉnh, thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên).

Trong những năm trấn nhậm tại đây, Bùi Tá Hán chú trọng ban ân huệ, vỗ yên quân dân nên trăm họ đều yêu mến.  Tá Hán dự vào hàng có công lao nên sau khi ông mất (mùa xuân, tháng 3, năm Mậu Thìn 1568) được truy tặng tước Thái Bảo; chúa Nguyễn lệnh cho nhân dân sở tại lập đền và thay nhau hương khói, phụng thờ. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) phong thêm Khuông quốc Tĩnh biên Thụ đức thượng đẳng thần.

Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Quảng Nam thuở xưa (và cả cho đến ngày nay), Trấn Quốc công Bùi Tá Hán luôn được dành một vị trí hết sức thiêng liêng. Bằng chứng là dọc các tỉnh miền Trung, từ Nam đèo Hải Vân trở vào tín ngưỡng này khá phổ biến.

Tín ngưỡng Trấn Bắc ở đảo Phú Quý

Ông Phạm Phước (nguyên Trưởng Ban quản lý vạn An Thạnh) cho biết: “Không rõ tín ngưỡng thờ Ông Trấn Bắc ở Phú Quý có từ khi nào. Xưa các bậc tiền hiền lập miếu thờ, sau trao truyền lại cho chúng tôi. Do vậy, hàng năm chúng tôi chọn một ngày tốt vào tháng 3 âm lịch để tế giỗ Ông Trấn vì chỉ biết ngài tạ thế vào tháng 3”.

Căn cứ vào nguồn gốc cư dân chúng tôi cho rằng tín ngưỡng thờ Bùi Tá Hán ở đảo Phú Quý có sớm nhất vào nửa sau thế kỷ XVII.

Theo tài liệu, đất bản bộ Phú Quý xưa là của người Sa Huỳnh rồi đến người Chăm; mãi đến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân Tranh (1627 - 1672) lưu dân người Việt mới từ các tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi (có dân trên đảo Lý Sơn) theo đường biển đến tụ cư ở đây. Và như trên đã nói, tín ngưỡng Trấn Bắc rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung, do vậy, cộng đồng người Việt khi đến Phú Quý ắt hẳn đã mang theo tín ngưỡng này và xem như một bệ đỡ tâm linh khi đặt chân lên đảo. Tại đây, tục thờ cúng Bùi Tá Hán của người nông dân nơi quê cũ vẫn được tiếp diễn trên vùng đất mới, mặc dù những lưu dân này đã cách xa vùng đất cội nguồn cả về không gian lẫn thời gian.

Miếu thờ chính thức Trấn Quốc công Bùi Tá Hán được nhân dân Phú Quý dựng trên đảo Hòn Tranh (lớn nhất trong số 9 hòn lẻ thuộc cụm đảo Phú Quý, cách đảo lớn 0,5 hải lý) nằm ẩn mình trong một rừng dừa xanh. Mặt trước miếu quay ra biển (Tây-Nam), theo hướng nhìn về đảo lớn.

Hàng trăm năm qua, miếu thờ Ông Trấn là một điểm tựa về tín ngưỡng đối với  người dân trên đảo. Ngoài ngày tế giỗ chính thức, trong tất cả các bài văn tế kỳ yên ở lăng vạn, đình làng, đền miếu trên ở đảo đều có khấn tế Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Điều này thể hiện rằng tín ngưỡng thờ Trấn Bắc là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam bắt nguồn từ sự thần hóa một nhân vật lịch sử có thật với nhiều công trạng lớn lao đối với quốc gia dân tộc. Bắt đầu từ miền Trung, tín ngưỡng này lan đến Phú Quý và nó cũng không nằm ngoài mục đích gửi gắm khát vọng và ước muốn của người dân về một cuộc sống bình yên no đủ trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương huyện đảo.

Ngoài tư liệu điền dã tại huyện đảo Phú Quý, bài viết có tham khảo bản dịch tiếng Việt một số tài liệu của Quốc Sử quán triều Nguyễn, như: Đại Nam thực lục (tiền biên), Đại Nam liệt truyện (tiền biên), Đại Nam nhất thống chí, và Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn.

ĐỖ THÀNH DANH