Giới trẻ hờ hững với văn hóa đọc
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 14:12, 27/04/2017
Đọc sách là một trong những cách giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức cũng như tăng cường khả năng tư duy. |
Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường “rộng” nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức cũng như tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng, hiện nay giới trẻ có vẻ đang thờ ơ với việc đọc sách. Bởi lẽ với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet – một mạng lưới thông tin giúp ta dễ dàng tiếp cận được những thứ mình cần với lượng kiến thức khổng lồ. Chỉ cần một thao tác đơn giản, lên Google, gõ vào ô tìm kiếm những từ khóa mà bạn muốn, mọi thứ hiện ra nhanh chóng. Internet giúp con người tìm hiểu thông tin, văn hóa cũng như kết nối con người trên toàn thế giới với nhau nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mai một thói quen đọc sách vốn có. Thay vì ra các hiệu sách để tìm mua các loại sách chuyên ngành, sách về văn hóa, giáo dục… hiện nay đa số bạn trẻ dành thời gian lướt facebook, tìm kiếm thông tin, đọc sách trực tuyến vì nó vừa nhanh, vừa dễ lại đỡ tốn kém nhưng khi đọc xong liệu còn đọng trong đầu chúng ta được bao nhiêu? Dù đã có sự bùng nổ của thông tin truyền thông, nhưng hiện tại nhiều cuốn sách xuất bản nội dung chưa thực sự sâu sắc, lành mạnh hoặc chủ yếu sưu tầm, tập hợp từ nhiều sách khác nhau làm thị trường sách trở nên rối rắm, phức tạp. Đồng thời nhiều sách lậu, kém chất lượng, giá cao… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.
Khi xã hội phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng internet nhưng có thể chắc chắn một điều là sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó. Cái cảm giác được lật mở những trang sách vẫn còn tươi nguyên mùi mực in và thơm mùi giấy mới, được nghiên cứu, “nhâm nhi” từng câu, từng chữ mà tác giả đã dùng hết tâm huyết để gửi gắm vào tác phẩm của mình – chứ không phải căng mắt ra để đọc chúng trên những màn hình máy tính “vô cảm” – có lẽ vẫn luôn luôn vô cùng thú vị.
Để khuyến khích, phát động phong trào đọc sách trong cả nước, góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển, khẳng định và tôn vinh sách và văn hóa đọc, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Mỗi chúng ta hãy hưởng ứng tích cực để Ngày sách Việt Nam thực sự có ý nghĩa, thiết thực hơn đối với tất cả mọi người trước bối cảnh văn hóa nghe nhìn đã và đang lấn át văn hóa đọc.
An Nguyên