Bưu điện văn hóa xã: “Địa chỉ” thân thiện của người dân
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 10:46, 24/04/2017
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lệ, chủ tiệm may sống gần Bưu điện văn hóa xã Đức Chính, huyện Đức Linh. Từ Sài Gòn về quê lập nghiệp, một tuần 2 lần, chị sang điểm bưu điện văn hóa để sử dụng máy tính bởi nơi đây được Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” trang bị 5 hệ thống máy tính kết nối Internet tốc độ cao. “Xem các website giới thiệu về cắt may và các xu hướng thời trang để tự tìm tòi, sáng tạo ra các mẫu mã đáp ứng thị hiếu của khách hàng” – Chị Lệ cho biết. Bằng cách ứng dụng này, doanh thu tiệm may của chị đã được cải thiện, đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng, tăng lên gần 2 triệu đồng so với trước đây.
Người dân sử dụng máy tính tại 1 điểm truy cập thuộc dự án BMGF- VN
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con trong việc ứng dụng Internet hiệu quả, theo chị Trần Thị Mỹ Linh, nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh, các điểm truy cập công cộng cần kéo dài thời gian mở cửa phục vụ. Tại Bưu điện văn hóa xã Huy Khiêm, chị phục vụ bà con từ 6h sáng đến 20h tối nên số lượng người sử dụng rất đông. Trong khi đó, chị Hoàng Thị Ngát, Bưu điện văn hóa xã Đa Kai, huyện Đức Linh, cho rằng “Việc đa dạng hóa các dịch vụ bên cạnh dịch vụ viễn thông đối với điểm Bưu điện văn hóa xã là một giải pháp quan trọng để duy trì bền vững hiệu quả của Dự án tại hệ thống này”.
Trong khuôn khổ Dự án, toàn tỉnh Bình Thuận có tới 42 điểm bưu điện văn hóa xã và thư viện công cộng được tiếp nhận 280 hệ thống máy tính có kết nối Internet miễn phí. Việc nâng cao hiệu quả phục vụ của các Điểm truy cập Internet công cộng này sẽ tạo nên nhiều cầu nối thành công cho người dân trong nỗ lực tìm kiếm con đường cải thiện đời sống kinh tế.
Hương Lan