Từ chợ ẩm thực 23/9 nghĩ về chợ đêm Phan Thiết

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:12, 16/08/2017

BT- Với chỉ 45.000 đồng, tôi có thể chọn ngay cho mình một món ăn nhanh như phở, hủ tiếu và 1 ly nước dừa thốt nốt, sau đó chọn bàn và thưởng thức chúng ngon lành với hướng nhìn sang đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (chỉ cách vài mét) đầy màu sắc, tấp nập, nhộn nhịp du khách. Đây là điều không phải dễ tìm tại Sài Gòn và là một sắc thái kinh tế hội tụ đa dạng các nền văn hóa, góp phần tạo nên một điểm đến để thu hút du khách. Điều mà Bình Thuận cũng cần học tập.
                
Du khách Ấn Độ đang tìm hiểu về món ăn Việt    Nam.

Món ngon hội tụ

Khu ăn uống “bình dân” này đang là xu hướng lựa chọn số 1 của giới trẻ và khách du lịch với cái tên “Hội chợ ẩm thực công viên 23/9”. Khuôn viên chính của hội chợ chỉ gồm những lều bạt nối tiếp nhau, dài gần 100 m, rộng 8 m, cao 3,2 m, trải dài dọc khu B công viên 23/9. Bên ngoài để bàn ăn, ở giữa là lối đi, bên trong là bếp và dụng cụ phục vụ. Hơn 100 món ăn, từ truyền thống như khoai lang nướng, bánh bò hấp… đến các món hạng sang như yến sào, vi cá, bào ngư; từ trái cây nhiệt đới đến kiwi, cherry…, rồi các món sushi của Nhật bản, kimbap của Hàn Quốc, nộm chay Tam Maak Hung đến từ Lào, hủ tiếu Nam Vang, cháo ếch Singapore… đến bánh mì Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, rồi ăn xúc xích Đức uống bia Krombacher Pils… Dường như cả thế giới ẩm thực đều xoay quanh bạn.

Tiền thân của hội chợ ẩm thực này là các chương trình lễ hội kết hợp ẩm thực của nhiều quốc gia, thường được tổ chức vào các dịp xuân về tết đến, mừng ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam hay kỷ niệm Quốc khánh 2/9… Hội chợ đã tổ chức được nhiều năm, lãnh đạo quận 1 và phường Phạm Ngũ Lão quyết định duy trì hoạt động này thông qua xây dựng kế hoạch thu hút các hộ kinh doanh vào tham gia. Kinh phí thuê lều bạt được tính toán chi tiết, công khai và quy định rõ ràng trong việc dọn dẹp vệ sinh, cách thức cạnh tranh, tạo mối đoàn kết giữa các quầy hàng... Ngoài ra, mỗi gian hàng cũng được khuyến khích giới thiệu về quy trình làm món ăn, thức uống, ý nghĩa của từng loại ẩm thực để dễ dàng thông tin cho du khách và người sành ăn.

 Quảng bá văn hóa và kiếm tiền

Đến tháng 8/2017, trên 70 gian hàng ẩm thực của hơn 53 hộ kinh doanh và công ty vẫn đang hoạt động tại hội chợ ẩm thực 29/3 này. Không chỉ giới thiệu và quảng bá văn hóa, ẩm thực, đây còn là nơi để các bạn trẻ nhiều quốc gia giao lưu với nhau, giúp giới trẻ Việt có thể trau dồi khả năng ngoại ngữ và là nơi kiếm sống của nhiều sinh viên xa nhà.

Hỏi thăm thêm số lượng khách cũng như thành phần khách đến hội chợ, chủ cửa hàng bánh xèo miền Tây, Phan Thị Kim Nhi phân tích: Khách du lịch theo dạng “Tây ba lô” là đa số vì hội chợ gần khu Bùi Viện, Cống Quỳnh… Dọc phố Phạm Ngũ Lão lại hình thành các tuyến lữ hành, xe bus nối Sài Gòn với các địa điểm du lịch dọc miền Trung (Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Bình Định) nên lượng khách nước ngoài cực đông. “Món ăn tương đối phong phú, giá cả dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/món, từ 10.000 - 20.000 đồng/thức uống… thì quá hợp túi tiền, không chỉ du khách mà ngay cả với người Việt”, chị Nhi quả quyết.

 Nhìn về chợ đêm Phan Thiết

Việc tập hợp các hương vị ẩm thực, lập nên các phố ẩm thực, khu ăn uống, vui chơi không phải là mới. Tại Phan Thiết, tháng 6/2016, chợ đêm Phan Thiết cũng đã hình thành trên trục đường Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Gia Tú với 174 gian hàng, hoạt động từ 17 - 22 giờ. Tuy vậy, chỉ hơn 3 tháng, chợ đêm Phan Thiết gần như chỉ là các hành lang trống. Đến nay, chỉ còn không hơn 10 gian hàng đang cố “cầm cự” hoặc nhượng cho các hộ kinh doanh khác bán buôn. Những món ăn thuần gốc xứ Phan như mì quảng vịt, bánh căn, bánh xèo tôm thịt, bánh quai vạc, bánh hỏi lòng heo Phú Long… gần như không còn.

Đã từng có nhiều giải thích nguyên nhân việc này, trong đó có việc chợ đêm không hội tụ được những cơ sở ăn uống có thương hiệu, rồi vị trí không thuận lợi cho giao thông, công tác quảng bá chưa tốt, không có đối tác quản lý và đưa du khách đến, giá cả tương đối cao…

Lỗi do ai? Tắc ở điểm nào? Giờ vẫn là bài toán chưa có lời giải. Việc quy hoạch thêm khu ẩm thực nào nữa hay không, giờ cũng chưa được xác định và thông tin cụ thể trong nhân dân.

Việc tập hợp các hương vị ẩm thực, lập nên các phố ẩm thực, khu ăn uống, vui chơi không phải là mới. Nhưng cách chọn địa điểm xây dựng, bố trí hàng quán đến cách thức kinh doanh, quản lý kinh doanh, quảng bá thị trường… rồi quản lý chất lượng sản phẩm, điều phối hoạt động mới thực sự là cả một quá trình mà nhiều địa phương phải học tập TP. Hồ Chí Minh, trong đó có Bình Thuận với định hướng xây dựng trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia.

    
    Không gian   rộng thoáng, nhiều cây xanh, trải dài gần 1,5km, rộng hơn 120m của công   viên 23/9 tọa lạc ngay trung tâm quận 1, tiếp giáp với đường Lê Lai,   Phạm Ngũ Lão, gần chợ Thái Bình, Bến Thành, khu phố Tây (khách du lịch)   Bùi Viện và các trung tâm thương mại, mua sắm sầm uất của Sài thành…   Công viên 23/9  là địa điểm thư giãn thoải mái của cư dân cũng như khách   vãng lai. Nhiều chương trình và các sân khấu biểu diễn nghệ thuật, hài   kịch, xiếc… cũng chọn đây là nơi tổ chức.

Chí Bình