Cột cờ Phú Quý: Nơi thu hút đông du khách đến đảo
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:10, 13/09/2017
Cột cờ Phú Quý có tên đầy đủ là Cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý, là 1 trong 7 cột cờ thuộc Dự án xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chủ trì với sự phối hợp thực hiện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 6 đảo còn lại của dự án gồm đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn La (Quảng Bình), Cù Lao Xanh (Bình Định), Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang).
Cột cờ Phú Quý được khởi công xây dựng từ ngày 17/6/2015 trên diện tích gần 200 m2 tại mỏm Đông đồi Chuối, phía dưới là bãi biển Gành Hang (thôn Triều Dương, xã Tam Thanh). Công trình có 4 phần gồm đài cột, thân đế cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Đài cột cờ có chiều cao 22,6 m bằng sắt với kích cỡ cờ là 4 x 6m. Thân đế cột cờ với 4 mặt đều nhau, cao 5,2m được xây bằng bê tông cốt thép giúp cột cờ được vững chãi. Bề mặt thân cột cờ được ốp đá granit màu trắng xám, trang trí 2 biểu tượng Cờ đỏ Sao vàng, Quốc huy, Quốc hiệu và tọa độ địa lý của cột cờ. Phần bậc thềm và khuôn viên xung quanh có hình vuông, hướng ra biển Đông. Móng cột cờ có diện tích khoảng 10,24 m2, chôn sâu dưới lớp đá núi với kỹ thuật kết cấu móng vững chắc (của các công trình hải đăng). Riêng lá cờ Tổ quốc treo trên cột cờ có kích thước 4 x 6m, được may bằng chất liệu vải có độ bền cao nhằm thích ứng gió biển mạnh. Tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng cột cờ chủ quyền trên huyện đảo Phú Quý hơn 1,26 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Trung ương Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Cột cờ Phú Quý vào tháng 7/2017. |
Công trình có ý nghĩa thiêng liêng với Tổ quốc, dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào và ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo cho tuổi trẻ và nhân dân trên đảo.
“Nhìn cột cờ cao, hướng thẳng đứng lên trời, lá cờ bay “phần phật”, kiêu hãnh giữa biển trời Tổ quốc, khiến chúng tôi thật tự hào”, chị Lê Hương, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ.
Dự định về kế hoạch vui chơi, tham quan của gia đình mình, anh Nguyễn Đình Quốc đến từ Vũng Tàu cho biết: “Đến xã Tam Thanh, chúng tôi có thể vừa leo núi tại đồi Chuối, vừa tắm biển Gành Hang kết hợp lặn san hô, tổ chức các buổi tiệc nho nhỏ ven bãi cát vịnh Triều Dương; mua cá và hải sản trên lồng bè; chụp ảnh check-in, xây dựng các buổi gala dinner, cắm trại xen lẫn các hình thức tìm hiểu lịch sử, thi kể chuyện tại Cột cờ Phú Quý”.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, Cột cờ Phú Quý không chỉ đơn thuần thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại đảo, mang tính giáo dục sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước mà còn giúp cho thế hệ trẻ hun đúc thêm lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công trình sẽ còn là một điểm du lịch, tham quan hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Đình Hậu