PHAN CHÍNH - người dệt thơ cùng “Bảng lảng gió giêng”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:10, 06/09/2017
Hình bìa như thế, cùng với tên gọi của tập thơ “Bảng lảng gió giêng” (của Phan Chính - Nxb HNV 2016), đã gợi lên trong ta sự nhẹ nhàng, thanh thoát, mơ màng khói sương. Nhưng đọc một mạch cả 50 bài đủ thể loại (23 bài lục bát, 8 bài thơ bảy chữ, 7 bài thơ tự do, 6 bài thể tám chữ, 3 bài thể sáu chữ, 2 bài thể năm chữ). Mới thấy tác giả không ru mình, ru đời… bảng lảng mà ru triền miên sâu nặng, thiết tha.
Cảm nhận đầu tiên bật lên trong tôi chính là sự chuyển đổi nhẹ nhàng về giọng điệu thơ, nên “bảng lảng gió giêng” đạt cái độ mềm mại, ngọt ngào, tình tứ, lắng sâu hơn 3 tập thơ trước của anh: Biển trắng như lòng ta thức đợi – 2006, Giữa truông đời - 1997, Giọt sương - 1993.
Cả tập thơ gồm 50 bài, ví như 50 câu chuyện kể. Có thể hình dung ra nhà thơ vùng biển La Gi - ở độ tuổi thất thập cổ lai hi - đang đau đáu kể chuyện đời mình, đời người; quê mình, quê người… một cách vừa trầm tĩnh vừa say sưa; vừa triết lý về nhân sinh vừa bày tỏ tâm tình… nên đã dắt dẫn người đọc đi vào những mênh mông xúc cảm. Xuyên suốt tập thơ là những chia sẻ về ba tình yêu lớn: Với hồn quê, với những vùng miền đã đến và với chính cuộc đời mình. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự “tạm phân định” để có thể chạm vào từng mảng, chứ thật ra những tâm tình sâu nặng thì làm sao có thể tách rời.
Trước hết là với hồn quê La Gi, nơi chôn nhau cắt rốn mang tâm tình sâu nặng, nơi có cảnh đẹp của biển núi, suối sông… nhà thơ đã dành khá nhiều bài thơ trong tập để bày tỏ, như: Bóng quê, Đợi bấc, Giáp chạp trời quê, Lặng lẽ sông xưa, Bảng lảng gió giêng, Sinh nhật đất trời, Mùa thu xanh, Lưng chừng bóng mây xưa…
Ta có thể bảng lảng cùng nhà thơ trong một vài ý thơ ngọt ngào, da diết. Nhớ quê hương tuổi thơ, nhớ mẹ dấu yêu… khi tuổi đời đã quá mênh mông, tác giả đã ghi lại bằng những chi tiết thật đắt: “Mẹ quê tóc búi sương rêu/ đếm từng hạt lúa liêu xiêu giữa đời” (Bóng quê - tr5). Hay “tóc mẹ xưa nhuốm màu trăng cổ tích/ lây lất đời thôi mấy bận đơm bông/ ngọn gió mãn khai sáng nay nở rộ/ đằng xa kia mây núi bềnh bồng” (Bóng núi mẹ quê - tr82).
Sự “bảng lảng” khi “gió giêng” về đã gợi cho tác giả những niềm thương nỗi nhớ về “Hạt gạo những năm 80”- tr 8, nhớ những đêm “Đợi bấc - tr 9”, và nghe biển gọi phận mình; “tiếng chim lạc giữa rừng dương xao xác/ tóc dài bay đêm sẫm chạp vào đông/anh ngồi đó bồng bềnh cùng biển/ có mây trời bảng lảng thuở hư không”.
Bấc về, biển đêm; một bóng bồng bềnh cùng biển, cùng tiếng chim lạc giữa rừng dương, cùng tóc dài, đêm sẫm chạp… Những hình ảnh thơ thật đẹp khiến người đọc phải xao lòng.
Giáp chạp trời quê - tr13 với hình ảnh thơ “Lãng du chiều khép nép biển La Gi” là bản tình ca với biển, với những niềm thương nỗi nhớ hằn sâu cả một đời. hay “trở về - 77”, với ý thơ: “tháng năm rồi cũng quay về/ dựng nêu đón gió bốn bề mênh mông..” nghe xao xuyến lạ. Bài thơ tự do mang tên “gió - tr73”, cũng là một bài thơ hay trong tập.
- Song hành với hồn quê, với đấng sinh thành… là tình yêu của nhà thơ với cuộc đời. Nhà thơ đã chọn và gởi gắm tâm tư vào những bài thơ trăn trở, suy ngẫm; mà, tựa đề đã nói lên điều đó: Uống rượu đêm ba mươi, Lối cỏ ta về, Mừng tuổi đầu năm, Nhìn lại còn ta, Ngàn năm sau, Còn lại gì ta hỡi, Về đâu, Phiêu bồng một chút đời ta, Đêm nghe trở bấc…
Một sự nhập tâm về quê hương và thân phận con người đã tạo nên những bài thơ hồn hậu, mặn mà, yêu thương cuộc sống. Dù là có lúc hoài niệm, đau đáu… về sự mỏng manh hữu hạn của đời người trước sự vô hạn của thời gian:
…nâng ly ta cụng u hoài/dường như cạn tiếng thở dài của đêm…
…hắt hiu gió chạp rối bời/ đớn đau mây núi một đời lang thang
(Uống rượu đêm ba mươi- tr11)
Nỗi đau đời đau người ấy còn ghi lại trong “lối cỏ ta về- tr 12”:
Thì thôi ráng hết truông đời
Tựa vào vành núi ca bài phù sinh.
Ngay cả trong “ngày mới của đất và trời”, tác giả vẫn cảm nhận được sự hữu hạn trong cõi vô cùng: “rượu đầu năm rót xoay vòng/ chào ta trong cõi vô cùng nhân gian” (Mừng tuổi đầu năm - tr 15).
Nhà thơ đã chào năm mới hơn 70 Xuân. Nhưng hình như trong lời chào, lời mừng tuổi mới có chút gì đó nuối tiếc tuổi trẻ, có chút gì đó hoài niệm xa xăm, thương nhớ chính bóng mình: “mùa xuân hay nắng ngọt ngào/ tôi phơi nỗi nhớ mà thao thức buồn”.
Bài thơ Nhìn lại còn ta - tr16 nằm trong loạt bài gợi sự u trầm, huyễn mộng qua cái nhìn đầy khắc khoải của tác giả: “nghe tiếng sáo vắt ngang lung núi cổ/ lại nhớ mình chôn nỗi nhớ ngàn năm
…khuya xám ngắt cho ta nằm quạnh quẽ/ thực và hư đắp mảnh vải vĩnh hằng …thắp ngọn nến lung linh màu trăng lạnh/ Năm tháng đi qua quá đổi tình cờ”.
Còn với Ngàn năm sau (tr19), anh viết như thú nhận nỗi đau, trước hết là của một con người ở độ tuổi “tri thiên mệnh”, và sau là của một tha nhân: …“mải miết nhớ bời bời mây phiêu lãng/ còn lại tôi vất vưởng lá thu mềm… con chim lạc góc trời đau tiếng gọi/ cũng làm tôi lảo đảo giữa mênh mông…”
Trong Đợi (tr 60), nhà thơ đợi gì? “một đời an nhiên” ư?
“Nghe mùa bấc trở xa bờ/ để sương bóng núi bạc phơ mây trời/ nghiêng hồn đón gió mù khơi/ngồi đây đợi nhớ một đời an nhiên”.
Và bên cạnh những vần thơ dành cho hồn quê, dành cho cuộc đời, nhà thơ đã viết như trải lòng mình về những vùng miền mà anh đã đến và đi. Như Phan Thiết (Thoáng xưa Phan Thiết, Trên đồi Phú Hài) Đà Lạt (Đà Lạt chờ thu, Thu Đà Lạt, Đà Lạt, Cà phê sáng ở phố chợ Hòa Bình), Ga sông Phan - Ninh Thuận (Đêm ở ga Sông Phan, Nha Trang (Viết từ Nha Trang), Bạc Liêu (Đêm ở Bạc Liêu) và sông nước miền Tây (Miền Tây)….
Những chi tiết này đây: với chiếc cầu cong chia hai bờ thành phố, vầng trăng khuya chênh chao sóng nước, vằng vặc trời đêm; hình ảnh phố biển Phan Thiết thân quen hiện lên rõ mồn một: ‘‘Chút êm đềm Mường Giang chìm đáy lá/mấy mùa đi vầng trăng biển mênh mông”.
Có gì khác so với nhiều nhà thơ đã tả về Phan Thiết? Đó chính là “… chìm đáy lá, là “vầng trăng biển” bao la, là nơi: “ cất giùm nhau mộng mị chín nỗi buồn”. Một cách diễn đạt rất mới khi nói về một nỗi buồn đã ủ mật, lên men, đã “chín” Thoáng xưa Phan Thiết.
Trong “Trên đồi Phú Hài”, nơi ghi dấu mối tình Mộng Cầm - Hàn Mặc Tử, nhà thơ đã bày tỏ cảm xúc với những bời bời thương nhớ: “đất màu lửa chết đêm huyền thoại/ sao vẫn hoàng hôn ngả bóng dài/ để ru con bấc còn xao xác/ mới biết ngàn năm nắng chưa phai”. Với “đêm ở ga Sông Phan - tr70”, giữa trời hoang lạ, nhà thơ cũng đã thương cảm phận người mà thốt lên: “rùng mình lá núi bên sông/ rót khuya đầy cõi hư không kiếp người/ vỗ bờ cơn nước mồ côi/ nghe bìm bịp gọi thêm bồi hồi đêm”.
Nhưng với bài lục bát Đà Lạt - tr18, nhà thơ đã phô bày tâm trạng một cách hết sức bảng lảng, như một người trẻ tuổi, mơ màng cùng gió mây. Mà làm sao ngăn được những phút giây thổ lộ tâm tình thơ mộng ấy, khi giữa một khung cảnh tuyệt vời như Đà Lạt mộng mơ: “vẫn phố nghiêng nghiêng quán đợi/ nghĩ mình bảng lảng cùng mây/ phía núi xa mưa lành lạnh/ thì thôi giọt đắng cũng say”.
Với “miền Tây - tr64”, một lần ghé đến nơi miền sông nước hiền hòa với những hình ảnh thân quen như: dòng kênh, bông vàng điên điển… với tình người chân thật hát “câu vọng cổ não nùng đêm trăng suông/ nghe hắt hiu ngón đờn tài tử”, nhà thơ đã không ngăn được cảm xúc trào dâng để ghi lại vài dòng thơ thao thiết: “có phải mùa này mưa còn rấm rứt/ cánh đồng xanh ôm nỗi nhớ mênh mông/ bỏ lạc con kênh nằm mộng bên sông/ khắc khoải nắng hong vàng bông điên điển”.
Có thể nói, chính từ tình yêu quê hương, tình yêu con người, yêu mình và tự nhìn lại mình… đã được tác giả lắng lọc qua mấy mươi năm góp mặt với đời, kết hợp với bút lực thơ dồi dào đã làm nên giá trị cho cả tập thơ. Rất nhiều bài thơ, những từ ngữ: gió bấc, vầng trăng lạnh, biển, đồi, sông suối, cổ miếu, miếu cổ… được sử dụng. Âu đó cũng là điều hợp lý vì càng cao tuổi, nhà thơ lại càng thẩm thức thời gian của một đời người và hoài cổ trong nghĩ suy…
Nếu muốn nói đôi điều cần nói về tập thơ, thì đó là một vài từ còn mang sắc “cũ”, vài bài lục bát, đôi khi gieo vần chưa thật chỉnh. Như “Về - 55”: “Tôi thầm thì với mưa khuya/ Gió rêu hiên quạnh sân ga đợi người… “Còn đây chợt giấc mộng mơ/ lỡ đời chiếc bóng thương tôi trở về…”. Nhưng với một nhà thơ nhiều tuổi, viết lách chắc tay, nhiều khi đó lại là một cách bảng lảng của người thơ để tròn ý, để phá cách, để bớt khuôn mẫu, cho tứ thơ được thỏa sức bay lên…
Nguyễn Thị Liên Tâm