Nên có cách viết, đọc và hiểu chính xác cụm từ “yôr yang Pô Tằm” trong tiếng Chăm
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:43, 29/08/2017
Tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, có lễ hội yôr yang Pô Tằm nên viết như thế nào để người đọc chỉ có một cách đọc, viết và hiểu chính xác cụm từ yôr yang Pô Tằm.
Trong từ điển Chăm - Việt của Bùi Khánh Thế và nhóm biên soạn thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1995 tại trang 611 có phiên âm la-tinh và cách viết từ ywơr yang và dịch sang tiếng Việt là cầu đảo (một trong những nghi lễ tín ngưỡng Chăm), còn trong từ điển Chăm - Việt - Pháp của Gérard Moussay và nhóm biên soạn xuất bản năm 1971 tại trang 468 có phiên âm la-tinh và cách viết từ yôr yang và dịch sang tiếng Việt là cầu đảo. Tự điển Étienne Aymonier- Antone Cabaton xuất bản năm 1906 tại trang 395 và 401 có viết phiên âm la-tinh và cách viết là yuor yan (oblation dieu: sự cúng hiến cho Thần,Thánh).
Qua các từ điển chúng ta thấy có ba cách viết phiên âm sang La-tinh là ywơr yang, yôr yang và your yan (cả ba cách viết phiên âm này đều phát âm theo âm Việt là dôn dang).
Chúng ta thử suy ngẫm hai từ cầu an và cầu đảo dưới đây: Trong từ điển tiếng Việt của Ngôn ngữ Việt Nam, tác giả Kỳ Duyên – Đức Bốn do Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2013, tại trang 90 có ghi:
* Cầu an (nđg): Mong mỏi sự yên ổn. (Chữ “n” là viết tắt của từ Nôm, còn “đg” là động từ).
Với giải thích trên thì từ Cầu an trên nhóm tháp Pô Tằm là cầu cho quốc thái dân an; cầu cho xóm làng được bình yên, dồi dào sức khỏe; cầu cho mưa thuận gió hòa để cho mùa màng bội thu; cầu cho người dân được ấm no hạnh phúc…
* Cầu đảo (hđg): Vái xin việc gì với quỷ thần. (Chữ “h” là viết tắt của từ Hán Việt, còn “đg” là động từ). Về ý nghĩa trong cụm từ cầu an giải thích “mong mỏi sự yên ổn” có mang tính tín ngưỡng, còn trong cụm từ giải thích “vái xin việc gì với quỷ thần” đối với từ cầu đảo thì bên trong có mang tính mê tín hơn. Đối với từ Pô Tằm trong từ điển Gérard Moussay tại trang 304 và 433 có viết phiên âm la-tinh và cách viết là Pô và Tăm ( lưu ý ở dưới chữ “T” có dấu nặng “.”). Còn trong từ điển Bùi Khánh Thế tại trang 331 thì phiên âm la-tinh và cách viết là Ppo Dơm–Pô Dam. Còn trong từ điển Étienne Aymonier- Antone Cabaton tại trang 309 và 212 có viết phiên âm La-tinh và cách viết là Pô Dam (lưu ý có dấu nặng ở dưới chữ “m”).
Từ xưa đến nay trên nhóm tháp Pô Tằm được tổ chức lễ yôr yang hàng năm, nay vì kinh tế của bà con quá khó khăn cho nên bà con trong làng có xin Ngài cứ ba năm lại tổ chức lễ và hội trên nhóm tháp một lần. Lễ hội được tổ chức có tính liên tục và thời gian qui định. Lễ hội huy động tất cả các hệ phái chức sắc như thầy Pasêh, thầy Kadhar, thầy Mưdôn, thầy Kaing trong tôn giáo Bàlamôn cùng với bà con Chăm cũng như bà con trong vùng đến cầu an trên nhóm tháp Pô Tằm. Thiết nghĩ đó là phong tục đẹp, cần tiếp tục duy trì và phát triển.
Năm 2017, tổ chức lễ hội Yôr yang Pô Tằm từ phần lễ cho đến phần hội khá hoàn hảo, bà con các nơi đến chúc mừng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhóm tháp Pô Tằm sau khi được Nhà nước cho phép trùng tu lại.
Qua cách phiên âm bằng La-tinh cụm từ Yôr yang Pô Tằm của các nhà khoa học được trình bày trên khá phức tạp, gây không ít khó khăn nhất là về cách đọc cũng như cách viết, mặt khác không biết nên chọn cách viết của nhà khoa học nào. Nên chăng trong địa phương, việc tổ chức lễ hội lần sau vào giữa tháng tư theo Chăm lịch trên núi Ông Xiêm/cơk Ka-đá thuộc nhóm tháp Pô Tằm tại thôn Lạc Trị, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được gọi là Lễ hội Yôr yang Pô Tằm hay Lễ hội Cầu an Pô Tằm.
Kinh Duy Trịnh